• English

Tin thị trường

Ngân hàng Nhà nước: Đã hoàn thành nhiệm vụ cắt giảm điều kiện kinh doanh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo đúng thời hạn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đồng thời Thống đốc NHNN cũng đã ký ban hành Thông tư số 17/2018/TT-NHNN nhằm thực thi phương án cắt giảm. Trước đó, NHNN đã có báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về kết quả rà soát và phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Tỷ lệ cắt giảm đạt 31% (cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện, trong đó đề xuất cắt giảm 49 điều kiện, đạt 50% tổng số phương án đề xuất).


31% - đợt tiếp theo của một quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh trong ngành Ngân hàng!

Trong suốt những năm vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN hệ thống thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng đã cơ bản được cắt giảm, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Đây cũng là cơ sở để NHNN liên tục trong 3 năm 2015, 2016, 2017 xếp thứ nhất về chỉ số cải cách hành chính par index. Xét tính nhạy cảm và đặc thù, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa 31% đã thể hiện nỗ lực, trách nhiệm rất lớn của hệ thống NHNN. Nếu tính cả quá trình thực hiện cải cách hành chính từ năm 2010 đến nay, bao gồm: kết quả cắt giảm, đơn giản hóa 85% thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2016, 2017 theo Nghị quyết 19 của Chính phủ và hàng loạt các văn bản đã chủ động sửa đổi, bổ sung từ năm 2016, 2017, kết quả về cắt giảm điều kiện kinh doanh chắc chắn vượt xa tỷ lệ 31%.

Thực tế tại NHNN, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm và cũng là nhiệm vụ thường xuyên của NHNN được tiến hành ngay từ khâu đề xuất, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và được theo dõi trong quá trình thi hành pháp luật. Vì lý do đó, nên trong giai đoạn vừa qua, hầu như không có phản ánh, kiến nghị về quy định điều kiện kinh doanh gây cản trở tới cơ hội đầu tư, kinh doanh của tổ chức tín dụng (TCTD).

Tiêu biểu về cải cách thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, đó là việc ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về cho vay của TCTD và Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Hai thông tư này là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của TCTD, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đồng thời, nâng cao quyền tự chủ và minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay. Các quy định về thủ tục cho vay đã được đơn giản hóa như: bỏ giấy đề nghị vay vốn của khách hàng trong hồ sơ vay vốn; đơn giản hóa yêu cầu về phương án sử dụng vốn vay trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống...

Đặc biệt, trong năm 2017, NHNN đã hoàn thành việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém, thiết lập môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng lành mạnh. Trong đó, đã bãi bỏ, sửa đổi một số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các TCTD, như thủ tục chấp thuận của NHNN khi TCTD thay đổi tên chi nhánh hoặc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước; bỏ thủ tục xác nhận đăng ký Điều lệ của TCTD...

Những thách thức khi cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh ngân hàng

NHNN đã tổ chức triển khai rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tuy nhiên để triển khai đạt kết quả như vừa qua, đòi hỏi sự vào cuộc của Lãnh đạo NHNN để có sự cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu, cả về lợi ích cho doanh nghiệp, TCTD, yêu cầu quản lý và an toàn cho cả nền kinh tế. Trong định hướng hoàn thiện pháp luật theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang tập trung, nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, quy định về quản lý rủi ro của TCTD, quy định về công khai, minh bạch... theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm hình thành những chuẩn mực, điều kiện an toàn cao hơn trong hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, do tính nhạy cảm trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, đòi hỏi công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng phải đảm bảo tính chặt chẽ, phòng ngừa khủng hoảng và các tổn thất lan truyền. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cần phải tiến hành thận trọng để tránh bị tổ chức, cá nhân lợi dụng, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và hậu quả pháp lý đối với cán bộ, công chức.

Trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, các giao dịch ngân hàng qua mạng internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, thất thoát, do đó việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng cần phân tích kỹ lưỡng để vừa đạt mục tiêu quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước vừa giảm thiểu các rủi ro, tổn thất trong kinh doanh của các TCTD.

Tuy nhiên, không vì thế mà nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính của NHNN bị giảm sức nóng hoặc trì hoãn khi người đứng đầu NHNN rất quan tâm, sâu sát và chỉ đạo xuyên suốt quyết liệt hoạt động này. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh vì thế sẽ không chỉ là yếu tố giảm bớt các điều kiện kinh doanh mà quan trọng hơn là việc củng cố một ngành, lĩnh vực hiện đại, hội nhập và con người hành chính mang tính phục vụ. Đây là yếu tố cốt lõi thực hiện mục tiêu kép vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân, giảm thiểu chi phí thời gian và nhân lực trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh bền vững.

 

 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank