Theo Ngân hàng Nhà nước, lũy kế đến 31/08/2024, tổng giá trị nợ gốc và lãi được các tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 249.705 tỷ đồng...
Tiếp tục đề xuất cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đến 31/12/2025.
Tại báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Ngân hàng Nhà nước đã thông tin về những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 và Thông tư 06/2024/TT- NHNN ngày 18/6/2024 sửa đổi bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN nhằm kéo dài thời gian thực hiện chính sách đến hết 31/12/2024.
Theo đó, lũy kế đến 31/08/2024, đã có 72 tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 290.370 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là 249.705 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/08/2024, có 226.764 khách hàng đang còn dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ được cơ cấu lại là 126.403 tỷ đồng.
Ngày 7/9/2024, siêu bão Yagi (cơn bão số 3) đổ bộ vào Việt Nam, quét qua các tỉnh phía Bắc.
Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, toàn hệ thống đã ghi nhận khoảng 192 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, tăng mạnh 27 nghìn tỷ đồng so với con số ước tính hồi cuối tháng 9/2024 (165 nghìn tỷ đồng)…
Theo báo cáo của 26 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, có khoảng 124 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ là khoảng 192 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ trên địa bàn.
Trước đó, thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, đến 25/9/2024, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 94.000 khách chịu thiệt hại do bão số 3 với 165 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay đã có 35/40 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Trong đó, dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,5%- 2%/năm, mức lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn từ 5%- 6,7%, trung dài hạn từ 5,5% - 8%/năm.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 143/NQ-CP ngày 19/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và gửi xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân đối với Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Tại tỉnh Quảng Ninh, một trong 2 địa phương chịu tổn thất nặng nề nhất do bão số 3 gây ra, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, trên địa bàn tỉnh có trên 21.300 khách hàng với tổng dư nợ gần 48.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng. Dư nợ bị thiệt hại trên 10.600 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 12.600 khách hàng với dư nợ hơn 871 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay đối với gần 5.600 khách hàng với tổng dư nợ 18.290 tỷ đồng. Thực hiện cho vay mới đối với gần 3.900 khách hàng với tổng số tiền gần 1.500 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay gần 3.000 khách hàng với dư nợ 208 tỷ đồng.
Theo vneconomy.vn