• English

Tin thị trường

Nâng giá trị, cộng niềm tin

Bằng việc đầu tư Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hoá NH (FSMIMS) hợp phần BHTG Việt Nam, các hoạt động nghiệp vụ đã có bước tiến đáng kể về cơ sở hạ tầng thông tin trong việc hỗ trợ, nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền. 

Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một công cụ quan trọng được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới để bảo vệ cho người gửi tiền tại các NHTM, góp phần duy trì ổn định hệ thống tài chính. Thực tế cho thấy, trong những giai đoạn khủng hoảng tài chính, vai trò của tổ chức BHTG đã phát huy tác dụng thực sự trong việc xử lý NH đổ vỡ, ngăn ngừa tâm lý hoảng loạn, rút tiền hàng loạt của khách hàng dẫn tới mất an ninh an toàn hệ thống.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, chị Hồng Thanh (quận Tây Hồ - Hà Nội) lo ngại cho số tiền nhàn rỗi mà chị gửi NH hiện nay là hơn 200 triệu đồng. Nếu không may NH mà chị gửi tiền gặp vấn đề rủi ro, thậm chí dẫn tới phá sản thì số tiền bảo hiểm mà chị được trả tối đa chỉ là 75 triệu đồng, vậy có thiệt cho người gửi tiền quá không?Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm đã nâng hạn mức chi trả bảo hiểm. Theo quyết định này, số tiền bảo hiểm (cả gốc và lãi) được trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75 triệu đồng. Trước đó, hạn mức trả BHTG áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và từ năm 2005 tăng lên 50 triệu đồng. Có không ít ý kiến cho rằng, mức chi trả ở con số 75 triệu đồng chỉ mang tính “an ủi”, nên nếu chỉ trông cậy vào BHTG thì người gửi tiền chưa chắc đã được đảm bảo quyền lợi.

Lo lắng này không phải của mình chị Thanh. Thấu hiểu tâm lý của người gửi tiền, khi “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nhưng trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này cho rằng mọi chính sách đều cần có căn cứ và cơ sở. Theo quy định của Việt Nam, chỉ có hai trường hợp BHTG có trách nhiệm trả số tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Đó là khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt, hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà các NH vẫn lâm vào tình trạng phá sản.

Hai trường hợp đó, BHTG phải trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Song dù có nhiều phương án tái cơ cấu NHTM yếu kém được NHNN đưa ra nhưng vẫn rất khó để phá sản một NH trong điều kiện hiện nay. Thêm nữa, theo vị này, khách hàng gửi tiền vào NH không thể mang tâm lý trông chờ hết vào BHTG, mà đây chỉ là một trong những công cụ để phòng ngừa rủi ro.

Theo lý giải của NHNN, nguồn lực của BHTG Việt Nam hiện không cho phép áp dụng hạn mức chi trả cao. Bởi hạn mức chi trả càng cao sẽ càng làm tăng rủi ro vỡ quỹ BHTG nếu phải thực hiện nghĩa vụ chi trả. Và BHTG Việt Nam cần có thời gian nhiều hơn để tích lũy nguồn thu phí từ các TCTD, tích lũy các khoản lãi đầu tư và tăng nguồn thu phí bằng cách chuyển đổi cách tính phí dựa trên mức độ rủi ro của TCTD.

Chuyên gia kinh tế TS-LS. Bùi Quang Tín cho biết: nếu chiểu theo thông lệ quốc tế, thì hạn mức BHTG được áp dụng gấp 3 lần thu nhập trung bình hàng năm của người dân. Việc nâng số tiền bảo hiểm trả cho các khoản tiền gửi từ 50 lên 75 triệu đồng là động thái để dần tiệm cận theo thông lệ quốc tế. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 rơi vào khoảng 45,7 triệu đồng, có nghĩa là nếu gấp 3 lần mức thu nhập bình quân thì mức chi trả BHTG sẽ phải là 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo TS. Tín, việc nâng lên 75 triệu đồng cũng đã là nỗ lực, cố gắng của cơ quan quản lý. Và chắc chắn sau này con số sẽ được nâng lên theo điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, từ đó sẽ tăng thêm niềm tin của người gửi tiền với hệ thống NHTM.

Nói như vậy để thấy, việc tăng số tiền chi trả BHTG cho người gửi tiền phải phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta tại thời điểm này. Cũng có nghĩa rằng BHTG chỉ có thể phát huy được hiệu quả khi nó phù hợp với nền tảng kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Khi trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm đối với nền kinh tế đè lên vai của hệ thống NH là khá nặng nề.

Tại Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 có bổ sung nội dung cho phép BHTG Việt Nam được tham gia sâu hơn vào cơ cấu lại TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Bằng việc đầu tư Dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hoá NH (FSMIMS) hợp phần BHTG Việt Nam, các hoạt động nghiệp vụ đã có bước tiến đáng kể về cơ sở hạ tầng thông tin trong việc hỗ trợ, nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền.

Việc triển khai thành công dự án và đưa hệ thống công nghệ thông tin, truyền thông mới vào sử dụng sẽ hỗ trợ BHTG Việt Nam trở thành tổ chức BHTG tiên tiến hơn, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tăng cường chia sẻ và sử dụng thông tin kỹ năng phân tích, đánh giá, cảnh báo rủi ro.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank