(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực.
Đồng thời, hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.
6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu
Theo Kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: 1- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; 2- Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; 3- Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; 4- Phát triển thị trường dịch vụ logistics; 5- Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; 6- Các nhiệm vụ khác.
Trong đó, sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II tại khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ;...
Với nhóm nhiệm vụ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến: Ngành dệt may, ngành da giầy, ngành đồ gỗ, ngành nông sản - thực phẩm; ngành cơ khí - chế tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác; hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics;...
Còn với nhóm nhiệm vụ phát triển thị trường dịch vụ logistics, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics; thu hút nguồn hàng từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đi các nước và ngược lại; hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics;...
Chí Kiên