• English

Tin thị trường

Năm 2030: Ngừng cho vay ngoại tệ, khắc phục tình trạng đô la hóa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Ngày 08/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được đề cập theo hai cấp độ, phù hợp với tính chất và chức năng hoạt động về mặt thể chế, đó là: Hiện đại hóa NHNN và phát triển hệ thống các TCTD, với 7 mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu phấn đấu cho các giai đoạn của Chiến lược. Chiến lược cũng chỉ rõ ngành Ngân hàng cần thực hiện đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được phân chia thành 03 giai đoạn 2018-2020; 2021-2025 và 2026-2030.


Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, trong giai đoạn tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Rà soát, đánh giá tác động và hiệu quả, từ đó sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định liên quan đến ổn định tiền tệ.

Nâng cao chất lượng tín dụng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân là một trong những nội dung quan trọng nhằm triển khai chiến lược. Đồng thời, NHNN cũng tiếp tục hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ giữa TCTD với khách hàng sang quan hệ mua bán ngoại tệ; giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa là hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính; Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; Điều hành nghiệp vụ thị trường mở theo hướng là công cụ chủ yếu điều tiết vốn khả dụng của các TCTD, nhằm đạt được mục tiêu CSTT trong từng thời kỳ... Đặc biệt, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; Tiếp tục thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt cao hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, mục tiêu về lĩnh vực thanh toán là: “Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%”.

Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra – Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng khẳng định: mục tiêu của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng là tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là TCTD; đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tác giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

Theo vietstock.vn

Đăng ký nhận tin
KienlongBank