• English

Tin thị trường

Năm 2020 không thanh toán tiền mặt qua hệ thống kho bạc

(TBTCVN) - Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tích cực, chủ động triển khai công nghệ thông tin trong hoạt động thanh toán và ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả ngân sách nhà nước (NSNN)
 
Nhờ đó góp phần giảm tỷ trọng tiền mặt trong các giao dịch của Chính phủ; tác động và thay đổi thói quen sử dụng phương tiện thanh toán của các đơn vị sử dụng NSNN và người dân. Trong giai đoạn tiếp theo, KBNN đã đề ra các định hướng và biện pháp đẩy mạnh việc thanh toán này, để năm 2020 cơ bản không thực hiện thu, chi tiền mặt qua hệ thống kho bạc Nhà nước.

Tập trung nguồn thu thông qua nhiều kênh thanh toán

KBNN cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương  thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, đơn vị đã gắn việc kiểm soát thanh toán bằng tiền mặt với công tác kiểm soát chi, góp phần giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống.

Đồng thời, căn cứ vào Chỉ thị số 20/2007/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và Thông tư số 164/2011/TT- BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản quy định địa bàn triển khai bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản. Đến nay,  cả nước đã có 118 địa bàn bắt buộc phải triển khai thanh toán cá nhân qua tài khoản.

Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện các hệ thống thanh toán bao gồm: Thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM) và thanh toán điện tử liên ngân hàng với ngân hàng. Đến nay, hệ thống thanh toán song phương điện tử đã hoàn thành trên cả nước. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được triển khai tại 24 đơn vị KBNN cấp tỉnh (theo kế hoạch, đến tháng 8/2017 sẽ triển khai tại các đơn vị KBNN cấp tỉnh còn lại). Qua đó, các giao dịch thanh toán vừa được thực hiện nhanh chóng, chính xác, an toàn, vừa giúp nâng cao tốc độ luân chuyển vốn trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thời gian qua, KBNN còn phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt với các NHTM. Bên cạnh phương thức nộp tiền mặt trực tiếp tại KBNN và chi nhánh, điểm giao dịch của NHTM, người nộp NSNN còn có thể sử dụng các phương thức thu, nộp NSNN hiện đại khác như chuyển khoản, ATM, Internet Banking, Mobile banking, máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS)... Các phương thức này đã góp phần tập trung nhanh, đầy đủ các khoản thu của NSNN, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời góp phần tiết kiệm các chi phí liên quan đến việc thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN.

Tuy nhiên, theo KBNN, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới bước đầu đưa vào triển khai như thanh toán các khoản chi NSNN bằng thẻ tín dụng, thu NSNN qua POS, nên chưa phát huy được toàn bộ hiệu quả.

Cải cách để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng

Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản không thực hiện thu, chi tiền mặt qua hệ thống nên KBNN đã đưa ra các định hướng và giải pháp để triển khai thực hiện. Theo đó, KBNN sẽ mở rộng tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các NHTM đảm nhận. Theo KBNN, dự kiến sau khi triển khai sẽ mở rộng thêm không gian, thời gian, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho người nộp NSNN.

Việc triển khai thu ngân sách qua POS là một hình thức cải cách trong công tác hành chính thu NSNN để tạo điều kiện cho khách hàng, trong khi chi phí triển khai thu qua POS đối với mỗi đơn vị KBNN là không đáng kể. Vì vậy, để giảm thiểu lượng tiền mặt tại trụ sở KBNN, ngay từ cuối năm 2015, KBNN đã phối hợp với Vietinbank triển khai thí điểm thu NSNN qua POS tại một số KBNN cấp huyện trên địa bàn 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Qua thí điểm, bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định. Trên cơ sở đó, KBNN đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 328/2016/TT- BTC nhằm pháp lý hóa hình thức thu NSNN qua POS lắp đặt tại KBNN.

Thực hiện các quy định tại thông tư, cùng với cơ sở hạ tầng thanh toán của hệ thống NHTM, số lượng người dùng thẻ và tình hình thực tế thu qua POS hiện nay, KBNN đã phối hợp với hệ thống  Vietinbank triển khai mở rộng hình thức thu này tại 75 đơn vị KBNN. Đồng thời, phối hợp với các hệ thống NHTM khác (Vietcombank, BIDV,

Agribank, MB) nơi KBNN mở tài khoản (tài khoản thanh toán hoặc chuyên thu) triển khai mở rộng việc thu NSNN qua POS, đảm bảo các KBNN cấp huyện đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã được lắp ít nhất 1 máy POS để tổ chức thu NSNN. Đối với các KBNN cấp huyện khác, việc triển khai do KBNN cấp tỉnh đề xuất tùy thuộc tình hình thực tế trên địa bàn. Theo KBNN, với cách làm này không những vừa xây dựng hình ảnh KBNN văn minh, hiện đại, vừa góp phần hiện đại hóa công tác thanh toán của KBNN mà còn giảm thiểu được lượng tiền mặt giao dịch qua KBNN rất lớn.

Thẻ tín dụng thanh toán cũng được KBNN định hướng mở rộng trong thời gian tới đây, dựa trên kết quả tích cực từ việc thực hiện thí điểm thẻ tín dụng trong chi tiêu NSNN tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với Vietcombank và

Vietinbank. Theo đó, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với tất cả các hệ thống NHTM để mở rộng địa bàn triển khai tại 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ cùng một số địa bàn khác có hạ tầng thanh toán tốt.

Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai thanh toán cá nhân qua tài khoản thời gian qua, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để rà soát hạ tầng thanh toán của NHTM. Từ đó, báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt mở rộng địa bàn bắt buộc triển khai thanh toán cá nhân qua tài khoản phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ./.

Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545/QĐ- TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Đề án này nêu rõ các mục tiêu để tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông đã được đặt ra. Đồng thời, đề án cũng đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế.
Vân Hà/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank