• English

Tin thị trường

Năm 2018: Ưu tiên xây dựng thể chế pháp luật tài chính

(TBTCO) - Sáng 3/1/2018, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn dự và chỉ đạo hội nghị.
  

Công tác lập và tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Vụ Pháp chế.

Năm qua, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (kỳ họp tháng 5/2017) và Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) (kỳ họp tháng 10/2017); trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường; trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi); xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 Luật thuế...

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 61 đề án, trong đó có 2 luật, 38 nghị định, 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 đề án khác; Bộ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 134 thông tư.

Nói đến công tác Pháp chế, không thể không nhắc tới công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC). Đây là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài chính và luôn được lãnh đạo đơn vị Vụ Pháp chế quan tâm chỉ đạo.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, Vụ đã trình Bộ ban hành chương trình hành động của Bộ Tài chính. Trong đó, xác định cụ thể 47 nhóm nhiệm vụ, đồng thời tham mưu, đề xuất trình Bộ 87 giải pháp, gắn với 175 sản phẩm đầu ra.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát 11 giải pháp, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ cũng ban hành Chương trình hành động xác định rõ 32 giải pháp với 52 sản phẩm đầu ra cụ thể.

Kết quả, Bộ Tài chính tiếp tục đứng thứ hai trong khối các bộ, ngành về cải cách hành chính (CCHC).

hội nghị pháp chế 

 Toàn cảnh hội nghị sáng 3/1. Ảnh: Đức Minh

Năm 2018, Vụ Pháp chế xác định, nhiệm vụ công tác pháp chế vẫn nặng nề, nhất là công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế tài chính với yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và tiến độ công việc.

Vụ Pháp chế sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng dự án Luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế tài sản và Luật Quản lý thuế (sửa đổi), bảo đảm đủ điều kiện bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và đăng ký chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Đồng thời, tiếp tục rà soát để lập đề nghị xây dựng các nghị định trình Chính phủ thông qua trước khi đăng ký đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ năm 2018; phối hợp với các đơn vị trong soạn thảo, chỉnh lý hoàn thiện 4 dự án luật; phối hợp với các đơn vị chủ trì soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành khoảng 60 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đề án khác; kịp thời tham gia, thẩm định để các đơn vị chủ trì trình Lãnh đạo Bộ ban hành khoảng 150 Thông tư.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá cao kết quả đạt được của Vụ Pháp chế trong năm qua. Theo Thứ trưởng, kết quả của công tác pháp chế Bộ Tài chính thể hiện qua các chỉ số đánh giá của xã hội.

Đó là, Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành (MEI) của Bộ Tài chính đứng thứ 7 và công tác cải cách TTHC được đánh giá thứ hai trong các bộ, ngành; chỉ số nộp thuế được Ngân hàng Thế giới đánh giá đứng thứ 86/190 quốc gia (tăng 81 bậc so với năm trước đó).

Về triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Vụ Pháp chế, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, nhiệm vụ chính trị quan trọng đó là công tác xây dựng Luật, Pháp lệnh. Trong đó, đáng lưu ý là triển khai xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 Luật thuế; Luật Thuế tài sản; Luật Quản lý thuế và Luật Chứng khoán.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đề nghị Vụ Pháp chế tiếp tục thực hiện CCHC và rà soát TTHC. Trong công tác cải cách TTHC, Thứ trưởng lưu ý, cải cách về thể chế là quyết định, cùng với cải cách quy trình thủ tục và ứng dụng công nghệ thông tin... để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

Minh Anh/ Thời báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank