• English

Tin thị trường

Năm 2018, dự toán thu ngân sách Thủ đô là 238.370 tỷ đồng

(TBTCO) - Để thực hiện dự toán và quản lý, điều hành ngân sách trên địa bàn năm 2018 , UBND Thành phố Hà Nội cần chú ý thực hiện tái cơ cấu thu đảm bảo bền vững, tái cơ cấu chi ngân sách theo hướng tiết kiệm triệt để chi thường xuyên để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển.
  

Chiều ngày 4/12/2017, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND thành phố đã họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2018.

Quyết liệt trong điều hành ngân sách

Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2017, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hiện nay, thành phố đã thu ngân sách đạt 101,4% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ, vượt 2.856 tỷ đồng so với dự toán HĐND giao; trong đó, thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn.

Năm 2017, thu nội địa chiếm 90,4% so với tổng thu và dự kiến năm 2020 đạt 91,7% so với tổng thu. Một số khoản thu mang tính bền vững trong năm 2017 cũng hoàn thành vượt dự toán và tăng 25 - 26% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Hà Minh Hải, qua đánh giá năm 2017, một số dự toán thu không đạt như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương ước tăng 17,6% so với năm trước, nhưng chỉ đạt 80% dự toán giao; thuế thu nhập cá nhân chỉ đạt 94,8% dự toán... Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ để việc triển khai công tác này trong năm 2018. Ngoài ra, cơ cấu thu vẫn còn thiếu bền vững, đặc biệt liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước khối trung ương.

Ông Hải cũng cho biết thêm, chi ngân sách địa phương năm 2017 ước đạt 96,4% so với dự toán HĐND giao đầu năm, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 101,2%, chi thường xuyên ước đạt 98,4% dự toán giao đầu năm.

Thay mặt HĐND thành phố, bà Phạm Thị Phương Mai, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, kết quả thu ngân sách mà thành phố đạt được là do trong quản lý điều hành ngân sách năm 2017 của UBND thành phố đã tiếp tục thực hiện những biện pháp quyết liệt. Cụ thể, TP đã hủy dự toán đối với các khoản chi thường xuyên được giao cho các đơn vị dự toán cấp I đến hết ngày 30/6/2017 chưa phân bổ; các khoản chi mua sắm, sửa chữa chưa triển khai thực hiện bổ sung vào dự phòng ngân sách 951 tỷ đồng.

Đồng thời, thành phố đã rà soát, điều chỉnh, điều hòa một số khoản chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách...

Bên cạnh kết quả đạt được, bà Phạm Thị Phương Mai cũng nêu rõ còn có 4 nhóm nội dung tồn tại hạn chế cần khắc phục ngay trong giao dự toán và điều hành ngân sách năm 2018.

"Việc lập và giao dự toán thu ngân sách cho một số địa phương còn chưa sát với khả năng thực  tế. Công tác phân bổ, giao dự toán chi tiết một số khoản chi vẫn chậm, có khoản chi chưa đủ thủ tục phải hủy bỏ dự toán. Việc quyết định điều chỉnh dự toán chi xây dựng cơ bản (XDCB) vẫn thực hiện chậm so với yêu cầu của Thường trực HĐND và theo quy định của Bộ Tài chính. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN những tháng đầu năm rất chậm....", bà Mai nói.

Năm 2018 thu, chi đảm bảo bền vững, tiết kiệm triệt để

Cũng tại cuộc họp, ông Hà Minh Hải cũng báo cáo trước HĐND về dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách thành phố năm 2018.

Theo đó, Hà Nội dự kiến xây dựng dự toán thu bằng số dự toán Chính phủ giao là 238.370 tỷ đồng, tăng 33.598 tỷ đồng so với dự toán năm 2017, bằng 114,8% số ước thực hiện năm 2017.

Trong đó, sự kiến thu nội địa 216.400 tỷ đồng, bằng 116,5% dự toán 2017, đặc biệt các khoản thu từ khu vực kinh tế quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân giao tăng cao trên từ 20-24% dự toán năm 2017.

Theo đánh giá của HĐND, đây cũng là những khoản thu có tỷ trọng khá lớn trong tổng thu ngân sách trên địa bàn và thu ngân sách địa phương được hưởng theo điều tiết. Như vậy, nhiệm vụ thu ngân sách của Hà Nội trong năm 2018 được đặt ra với mức phấn đấu cao. HĐND thống nhất dự toán thu do UBND trình và đề nghị trong chỉ đạo điều hành đặc biệt quan tâm đến các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách.

Bên cạnh đó, HĐND cũng thống nhất với số chi ngân sách địa phương, số chi ngân sách quận, huyện, thị xã. Thống nhất đề xuất dành nguồn tiết kiệm chi hoạt động sự nghiệp thường xuyên đã bố trí chi trả nợ gốc là 1.573 tỷ đồng. Dự phòng ngân sách địa phương UBND đề nghị là 3.125,73 tỷ đồng và bằng 3,3% tổng chi cân đối ngân sách, đúng quy định của Luật NSNN năm 2015. Kế hoạch chi ngân sách của Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 được xây dựng đảm bảo nguyên tắc giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, ưu tiên các mục tiêu bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội...

Để thực hiện kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018, HĐND thành phố đề nghị thành phố cần chú ý thực hiện tái cơ cấu thu đảm bảo bền vững, tái cơ cấu chi ngân sách theo hướng tiết kiệm triệt để chi thường xuyên để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển.

HĐND cũng yêu cầu thành phố có giải pháp tháo gỡ vướng mắc để quản lý chặt chẽ, kịp thời thực hiện ghi thu chi các dự án BT. Tiếp tục đánh giá đầy đủ số liệu nợ XDCB, có biện pháp xử lý dứt điểm nợ động XDCB; kiên quyết điều hành đầu tư, ngân sách không để phát sinh nợ mới. Đối với các quận, huyện còn nợ XDCB thì không bố trí vốn khởi công trình mới nếu chưa xong thanh toán nợ XDCB.../.

Phúc Nguyên/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank