• English

Tin thị trường

Năm 2017 đạt được 13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra

(TBTCO) - Ngày 23/11/2017, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Đại học Tài chính quản trị kinh doanh tổ chức Hội thảo: “Kinh tế - Tài chính Việt Nam năm 2017: Triển vọng và thách thức”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia tin tưởng năm 2017 có thể đạt được 13 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
  

Tăng trưởng GDP phục hồi mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trương Bá Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Trong thời gian vừa qua, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, theo đó có thể đạt được 13 chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra như GDP năm 2017 sẽ đạt mức 6,7%, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số nợ công được kiểm soát,…

Ngoài ra, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể. Trong đó, chỉ số về nộp thuế được cải thiện vượt bậc đã giúp cho Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nâng xếp hạng trong năm 2017 và dự báo cho năm 2018.

Cụ thể: Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB xếp thứ 82 trong số 190 quốc gia năm 2017 và nâng lên thứ 68 trong năm 2018. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam được WEF xếp thứ 60 trong số 137 quốc gia trong năm 2017 và nâng lên thứ 55 trong năm 2017.

Tuy nhiên, ông Trương Bá Tuấn cũng quan ngại rằng, trước sự biến động mạnh của kinh tế thế giới, nền kinh tế mở của nước ta sẽ ít nhiều chịu sự tác động. Do vậy, hội thảo là một diễn đàn rất quan trọng và cần thiết để tập hợp được ý kiến của các chuyên gia trong việc phân tích đầy đủ bức tranh của nền kinh tế Việt Nam năm 2017, qua đó nhận diện được những rủi ro và thách thức trong năm 2018, đồng thời gợi ý những giải pháp khắc phục.

Tham luận tại hội thảo, Ths. Nguyễn Thị Hải Thu, Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô (Viện Chiến lược và chính sách tài chính), Ths. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Ngân hàng Nhà nước) và các chuyên gia kinh tế khác đã tổng hợp những kết quả nổi bật đạt được của nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm, bao gồm: Tăng trưởng GDP phục hồi mạnh mẽ sau những tháng đầu năm gặp khó khăn; tốc độ tăng của các ngành (trong đó, chế biến chế tạo và dịch vụ là động lực chính của tăng trưởng 9 tháng đầu năm); vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; xu hướng dịch chuyển đầu tư; xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh; lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát; thị trường tài chính ổn định (mặt bằng lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng tốt), môi trường kinh doanh được cải thiện.

Tăng trưởng phải có tính bền vững

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, các chuyên gia kinh tế cũng đặt vấn đề về những thách thức trong thời gian tới đến từ bên ngoài và nội tại của nền kinh tế.

Theo đó, một số thách thức từ bên ngoài như kinh tế toàn cầu phục hồi chưa vững chắc, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nước trong thu hút FDI, điều hành chính sách khó lường của các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam và chúng ta vẫn đang phát triển kinh tế nhìn vào khu vực phát triển kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu.

Những thách thức trong nội tại nền kinh tế bao gồm: Tăng trưởng tiếp tục đà phục hội song vẫn đối diện các thách thức về phát triển bền vững, kinh tế phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế FDI, cơ cấu đầu tư và hiệu quả đầu tư, áp lực tài khóa và nợ công, lợi thế lao động giá rẻ và áp lực từ vấn đề già hóa dân số, tái cơ cấu ngân hàng và nợ xấu, xử lý dự án lớn không hiệu quả, phát triển các bộ phận của thị trường tài chính.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi dự báo, một số thách thức trong năm 2018 đối với nền kinh tế nước ta như ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng; thâm hụt ngân sách, nợ công tiếp tục tăng cao vào năm 2018 và các năm tiếp theo; tinh giản bộ máy, giảm chi tiêu thường xuyên là vấn đề lớn; khó khăn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập, một số chính sách vẫn chậm đi vào thực tiễn...

Dựa trên những kết quả đã đạt được và các thách thức, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất một số nhóm giải pháp như: Quán triệt các mục tiêu tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững, phát triển xanh chú trọng chất lượng tăng trưởng; kiên trì cải cách (cải cách cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước), nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới giáo dục để nâng cao năng suất lao động; 

Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định chính sách kinh tế vĩ mô; làm rõ động lực tăng trưởng của kinh tế tư nhân là gì; trong phát triển ngành hàng, Việt Nam vẫn cần phải dựa vào ngành nông nghiệp để cải thiện chuỗi giá trị và công nghiệp chế biến phải đặt lên hàng đầu; tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tái cơ cấu đầu tư công, nợ công, cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước; có chính sách và biện pháp nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; phát triển đồng bộ các bộ phận của thị trường tài chính...

Các chuyên gia nhấn mạnh, tăng trưởng GDP năm 2017 đã tạo tiền đề và cơ sở tốt để đặt ra các mục tiêu tăng trưởng năm 2018 và các năm tiếp theo. Các mục tiêu tăng trưởng năm 2018 không chỉ cần đảm bảo tính khả thi mà quan trọng hơn là tiếp tục tạo ra và củng cố tiền đề cho một giai đoạn tăng trưởng mới của nền kinh tế - tăng trưởng với tốc độ cao hơn và bền vững hơn...

Sâm Linh/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank