• English

Tin thị trường

Miền Tây có gần 600 tỉ đồng sản xuất cá tra giống

TTO - Khu vực miền Tây sẽ có 592 tỉ đồng để sản xuất giống cá tra. Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung - cầu về sản xuất giống.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa phê duyệt đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh khác trong vùng.

Mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung - cầu về sản xuất giống, truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đề án, đến năm 2020 các chuỗi sản xuất giống cá tra đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL (nhu cầu toàn vùng từ 2,2 đến 2,5 tỉ cá tra giống) và đến năm 2025 đáp ứng 100% nhu cầu. 

Theo đề án này, từ nay đến năm 2025, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung gồm 3 vùng tại An Giang (ở huyện Châu Phú, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên) với tổng diện tích 350 hecta, 3 vùng tại Đồng Tháp (tại các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành) với tổng diện tích 400 hecta.

Tổng nguồn vốn thực hiện đề án cá tra giống này là 592 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội cá tra Việt Nam, đầu năm 2017 giá cá tra giống dao động từ 27.000 đồng đến 39.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).

Sau đó giá cá tra giống giảm còn 17.000 - 18.000 đồng/kg vào thời điểm giữa năm 2017, nhưng từ cuối năm 2017 đến nay do khan hiếm cá giống nên giá tăng vọt lên mức 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Thậm chí, theo phản ánh của một số doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra, sự khan hiếm này khiến họ phải trả đến 75.000 đồng một kg cá tra giống "nhưng vẫn không có để mua".

Nguyên nhân được nhận định là do thời tiết bất lợi và đa phần cơ sở sản xuất cá tra giống hiện nay đều manh mún, nhỏ lẻ và chỉ sản xuất theo kinh nghiệm nên tỉ lệ con giống đạt không cao.

Chí Quốc

Báo Tuổi Trẻ

 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank