• English

Tin thị trường

Mềm hóa chính sách tiền tệ ở đặc khu

Dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt điều chỉnh toàn bộ những quy định về chính sách tiền tệ của đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt.

Dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt đang tiếp tục được thảo luận ở các Đoàn đại biểu Quốc hội và trưng dụng ý kiến của các nhà kinh tế. Theo bản dự thảo, 3 khu kinh tế đầu tiên là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ là ba đơn vị hành chính có những quy định luật pháp và tổ chức bộ máy chính quyền khác biệt so với các tỉnh, thành còn lại.

Các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu Khu kinh tế Vân Đồn sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc, Khu kinh tế Bắc Vân Phong sẽ thu hút các nhà đầu tư đóng tàu, dịch vụ biển và cảng biển, Khu kinh tế Phú Quốc sẽ miễn thị thực tối đa để thu hút khách quốc tế vào mua sắm, giải trí.

Bản dự thảo Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt các lần trước đặt mục tiêu rất cụ thể đối với chính sách tiền tệ (CSTT) cho đặc khu, như phải có NHNN chi nhánh đặc khu điều này đã gây tranh cãi rất nhiều. Vì ở những nơi có đặc khu hiện đang có chi nhánh NHNN nếu xuất hiện thêm một đơn vị quản lý nhà nước về CSTT nữa sẽ gây xung đột lợi ích. Hoặc bản dự thảo lần trước quy định người nhập cảnh vào ba đặc khu hành chính kinh tế thí điểm trên sẽ được cầm ngoại tệ gấp 3 lần so với nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, người nhập cảnh qua các cửa khẩu, sân bay, hải cảng của Việt Nam hiện nay được cầm tối đa 7.000 USD mà không cần khai báo với cơ quan hải quan sở tại. Nếu chính sách cụ thể theo số tiền ngoại tệ du khách được cầm vào đặc khu trong luật sẽ tạo ra sự cứng nhắc của chính sách…

Trong khi dự thảo mới lần này điều chỉnh toàn bộ những quy định về CSTT của đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định CSTT trong từng thời kỳ cho đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đặc khu. Các chuyên gia ngân hàng bình luận điều 79 Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt, trong phần tổ chức của các cơ quan tài chính ngân hàng trên địa bàn đã gọn nhẹ.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần có cơ chế chính sách riêng để thúc đẩy tăng trưởng là mục tiêu của những nhà hoạch định chính sách. Theo đó, phải xây dựng cơ chế chính sách tốt để khai thác lợi thế tự do của đặc khu, với mục tiêu này các quy định về CSTT, ngân hàng và quản lý ngoại hối phải có độ mở cao.

Ví dụ, khu kinh tế Phú Quốc nhằm thu hút du khách đến giải trí, mua sắm thì nên khuyến khích cầm nhiều ngoại tệ tiền mặt vào đặc khu. Còn khu kinh tế Bắc Vân Phong thì việc khuyến khích cá nhân mang theo người nhiều ngoại tệ tiền mặt lại không có nhiều ý nghĩa. Hoặc khu kinh tế Vân Đồn nếu mục tiêu thu hút nhà đầu tư Trung Quốc mà lại khuyến khích mang nhiều ngoại tệ vào thì cũng phải tính toán kỹ hơn hoặc có cơ chế chuyển đổi tốt để phù hợp với trình độ phát triển của đặc khu.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank