Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2017 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay 15/01/2018.
Luật các TCTD sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Qua đó góp phần phát triển kinh tế trong giai đoạn mới và khắc phục những khó khăn, vướng trong công tác cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn trước, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Phá sản ngân hàng: Phương án cuối cùng
Luật TCTD sửa đổi được thông qua tập trung vào 5 phương án để cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm các phương án như phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc và phá sản.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD để tái cấu trúc hệ thống. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật này khi TCTD đó lâm vào tình trạng phá sản.
Luật TCTD sửa đổi cũng nêu rõ trong trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.
Trước đó, trong phiên chất vấn Thống đốc NHNN hồi tháng 11/2017, rất nhiều đại biểu Quốc hội đặt biệt quan tâm tới vấn đề nếu cho phép phá sản ngân hàng thì tiền gửi của người dân trong ngân hàng sẽ ra sao khi 80% tiền trong ngân hàng là của người dân.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý TCTD đều đặt mục tiêu an toàn hệ thống, lòng tin người dân, đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền… Trường hợp cụ thể NHNN kiến nghị Quốc hội xem xét giải pháp đặc biệt nhưng vẫn thực hiện theo mục tiêu trên.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp phá sản TCTD theo quy định của pháp luật chỉ được thực hiện khi không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD, đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng như niềm tin của người gửi tiền.
Ở góc độ người gửi tiền, với hàng loạt những cơ chế, quy trình đó có thể thấy NHNN sẽ có những động thái can thiệp, quản lý sát sao hơn hệ thống ngân hàng khiến người tiêu dùng yên tâm hơn và tin tưởng hơn về hoạt động an toàn của hệ thống. Hay nói một cách khác, nhìn một cách tích cực, những cơ chế này cũng giống như "lá chắn" để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thêm nhiều quy định nhận diện sở hữu chéo
Một số điều của Luật sửa đổi được bổ sung thêm những quy định cụ thể nhằm tạo cơ sở xác định cổ đông đích thực và hưởng lợi cuối cùng, khắc phục tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Một trong những điểm mới thu hút được nhiều sự chú ý của Luật các TCTD sửa đổi chuẩn bị có hiệu lực, là quy định lãnh đạo các TCTD không được làm lãnh đạo doanh nghiệp khác trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.
Với các quy định cụ thể hơn, nhiều "sếp" ngân hàng đang kiêm nhiệm tại nhiều vị trí khác trong các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ngân hàng, sẽ phải đưa ra quyết định trong thời gian tới. Tuy nhiên, quy định này cũng mang lại kỳ vọng tạo dựng niềm tin về một hệ thống ngân hàng minh bạch, không lợi ích nhóm.
Đặc biệt với những ngân hàng không có hiện tượng sở hữu chéo và bộ máy lãnh đạo chuyên nghiệp sẽ có thêm cơ hội để bứt phá trong thời gian tới. Một ví dụ có thể kể tới là trường hợp Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) khi mới đây đã có sự tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo. Từ khi tái cấu trúc với bộ máy lãnh đạo mới, NCB đã gặt hái nhiều thành công, trong đó kinh doanh năm 2017 ghi nhận kết quả khả quan ở hầu hết các chỉ số, bám sát chiến lược tập trung hiệu quả cho giai đoạn tăng tốc phát triển đến 2020. Tình hình tài chính của ngân hàng ổn định, tái cơ cấu đạt bước tiến đáng kể cùng bộ máy nhân sự ổn định có thể giúp NCB cải thiện hình ảnh và tăng khả năng hấp dẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật các TCTD sửa đổi cũng tăng cường hoạt động giám sát giao dịch liên quan đến cổ phần sở hữu tại các ngân hàng.
Trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Không những thế, bên mua và bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do TCTD cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.
Luật TCTD sửa đổi cũng bổ sung quy định về trường hợp Người có liên quan là pháp nhân, cá nhân khác "có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài" được xác định theo quy định nội bộ hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN.
Ngoài ra, Luật TCTD sửa đổi cũng bổ sung, sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của TCTD nhằm cải thiện năng lực điều hành cho các cấp quản lý tại ngân hàng.
Định hướng tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém
Luật các TCTD sửa đổi cũng đã bổ sung, làm rõ và giải thích nội hàm nhiều thuật ngữ trong liên quan đến các khái niệm về: Can thiệp sớm; Kiểm soát đặc biệt; Phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt; Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án chuyển giao bắt buộc; Tổ chức tín dụng hỗ trợ…
Phương án "phá sản" ngân hàng, đã được đề cập trong Luật các TCTD năm 2007 và được làm rõ hơn trong Luật các TCTD sửa đổi. Đây được coi là phương án cuối cùng sau khi các phương án khác không thành công như: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc.
Các giải pháp hỗ trợ cho các TCTD yếu kém cũng được định hướng rõ nét hơn. Luật các TCTD sửa đổi bổ sung có giải pháp hỗ trợ các TCTD yếu kém như: cho bán nợ cho Công ty quản lý tài sản VAMC, trích lập dự phòng.
Các TCTD được mua bắt buộc có thể bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD … được đảm bảo minh bạch.
Đánh giá về quy định này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với cơ chế, biện pháp, kế hoạch của Chính phủ và NHNN thì TCTD sau khi vào vòng kiểm soát đặc biệt có thể thoát ra được và hoạt động bình thường như các TCTD khác.
"Điểm rất hay của luật là dù liên quan tới xử lý ngân hàng yếu kém nhưng đồng thời cũng đưa ra phương án hỗ trợ ngân hàng phục hồi và thoát ra khỏi vòng yếu kém. Với những quy định mới, những ngân hàng hiện tại hoạt động hiệu quả và đang tái cơ cấu chắc chắn sẽ càng có thêm cơ hội, sự hỗ trợ để tiến vào hàng ngũ ngân hàng mạnh mang tính biểu tượng của Việt Nam, thâm nhập vào những thị trường lớn trên quốc tế như vẫn kỳ vọng", ông Hiếu cho biết.
Minh Khôi/ Theo Trí thức trẻ