Để thanh toán không dùng tiền mặt hòa nhập với hệ sinh thái công nghệ số trong nước và cả quốc tế, thì vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải có hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách phù hợp, theo kịp thực tiễn.
Ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) gấp 25 lần GDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 450.000 điểm.
Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Mục tiêu TTKDTM đối với dịch vụ công: Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM…
Còn nhớ năm 2016 Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu Chính phủ đưa ra cho giai đoạn 2016 - 2020: Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; Toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận các hình thức TTKDTM; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng; Nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020...
Soi chiếu với hiện tại, có thể nói chúng ta đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu trên. Đơn cử, hiện cả nước có 19.932 ATM, 284.706 POS và hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. 9 tháng năm 2021, giao dịch qua ATM đã đạt trên 600 triệu món, qua POS đạt hơn 243 triệu món. Trên thị trường đang có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 45 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm hai con số, thậm chí thanh toán qua QR năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng ở mức ba con số cả về giá trị và số lượng so với năm 2020.
Với tốc độ tăng trưởng như trên chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt được mục tiêu về số lượng và mức độ phổ cập của các phương thức TTKDTM mà Đề án đặt ra.
Tuy nhiên, để TTKDTM hòa nhập với hệ sinh thái công nghệ số trong nước và cả quốc tế, thì vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải có hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách phù hợp, theo kịp thực tiễn. Tại Đề án này, Chính phủ đã “đặt hàng“ NHNN một khối lượng văn bản pháp quy phải xây dựng khá lớn: Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản Luật khác có liên quan). Đặc biệt, NHNN sẽ nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán; Hoàn thành việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM; Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt nhằm tăng cường quản lý hoạt động giao dịch mua, bán tài sản có giá trị lớn phù hợp với quy định tại các luật liên quan. Chính phủ cũng yêu cầu NHNNN nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Công nghệ và nhu cầu sử dụng các phương thức TTKDTM của người dân tăng sẽ mở đường cho nhiều sản phẩm, dịch vụ mới phát triển. Do đó bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thị trường vận hành và phát triển thuận lợi thì vấn đề rất quan trọng là đảm bảo an toàn, an ninh cho các bên tham gia thị trường cũng như công tác quản lý nhà nước. Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động đánh giá, giám sát các hệ thống thanh toán. Tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa NHNN với Bộ Công an và các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp...
Theo thoibaonganhang.vn