Dù vừa xây dựng vừa khai tác nhưng Cảng quốc tế Long An đã đón gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước. Cảng có thể đón được tàu tải trọng toàn phần 70.000 tấn.
Ngày 26/9, Cảng quốc tế Long An thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã chính thức hoàn thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2.
Buổi lễ khánh thành có sự hiện diện của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng đại diện các Bộ ngành, chính quyền địa phương.
Nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung ương và địa phương được chủ đầu tư dự án báo cáo tiến độ thực hiện Cảng quốc tế Long An. Ảnh: Đại Việt
Ông Võ Quốc Thắng - đại diện chủ đầu tư dự án Cảng quốc tế Long An - cho biết: Vùng đất xây dựng Cảng quốc tế Long An là nơi thường xuyên bị ngập mặn, khó phát triển chăn nuôi hay trồng trọt. Hạ tầng giao thông kém phát triển.
Tuy nhiên, sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, xây dựng thì Cảng quốc tế Long An đã dần hình thành, tạo sức sống mới cho vùng quê nghèo.
“Với sự hỗ trợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương thì đường giao thông đã được xây dựng nối liền. Vùng đất ngày nào còn nhiều khó khăn giờ đã bắt đầu có sắc diện mới. Kinh tế phát triển, cuộc sống người dân ngày càng khởi sắc” - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, tập thể cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp chưa một ngày ngừng nỗ lực, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách và quyết tâm triển khai Cảng Quốc tế Long An thành công. Việc xây dựng cảng không chỉ mang đến giá trị về giao thương, vận chuyển hàng hóa mà còn là điểm đến hấp dẫn trong ngành du lịch tàu biển.
Cảng quốc tế Long An nằm tại huyện Cần Giuộc. Ảnh: Đại Việt.
Ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An - chia sẻ: Cảng quốc tế Long An có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm ở vị trí giữa Đông và Tây Nam Bộ.
Bên cạnh việc giúp giảm áp lực giao thông tại các cụm cảng trung tâm của TPHCM, Cảng quốc tế Long An sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội không chỉ riêng cho tỉnh Long An mà còn cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
“Cảng quốc tế Long An và Cảng TPHCM cùng với Cảng Cái Mép, Cảng Vũng Tàu sẽ tạo nên hệ thống cảng hỗ trợ lẫn nhau. Đây sẽ là hệ thống cảng hỗ trợ cho việc giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế” - ông Cần nhận định.
Cảng có thể đón tàu trọng tải 50.000 tấn và sắp tới có thể đón tàu 70.000 tấn. Ảnh: Đại Việt
Cảng quốc tế Long An có diện tích 147ha, chiều dài thủy diện 2,6km được đầu tư xây dựng thành 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng. Dự án này bao gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng toàn phần (DWT) lên đến 70.000 tấn.
Cảng còn có hệ thống nhà kho, kho ngoại quan, hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác. Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại cảng là hơn 400.000m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển sắt thép, phân bón, nông thủy sản… của khu vực ĐBSCL. Đây cũng sẽ là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ tập kết và phân phối hàng hóa bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.
Hệ thống kho bãi diện tích "khủng". Ảnh: Đại Việt
Tính đến cuối năm 2019, trong quá trình vừa khai thác vừa xây dựng, Cảng quốc tế Long An đã đón nhận gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước, trong đó có tàu tải trọng toàn phần 50.000 tấn. Trong năm ngoái, 1 triệu tấn hàng hóa đã được xuất nhập thông qua cảng này.
Cảng quốc tế Long An đang tiếp tục xây dựng cầu cảng số 4, 5, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Bắt đầu động thổ xây dựng cầu cảng số 6,7 đón được tàu có tải trọng toàn phần 70.000 tấn.
Theo chủ đầu tư, đơn vị này đang hoàn tất các thủ tục pháp lý nhằm mở rộng quy mô để các cầu cảng số 8, 9 có thể đón được tàu có tải trọng toàn phần 100.000 tấn. Khi đó, chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368m và trở thành một trong những cầu cảng quốc tế có chiều dài bờ cảng lớn nhất Việt Nam. Quy mô công suất hàng hóa thông quan đạt khoảng 80 triệu tấn/năm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trí Nam, đại diện một doanh nghiệp tại tỉnh Long An cho biết, việc có Cảng quốc tế Long An sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí Logistics.
Cụ thể, nếu một chuyến tàu vận chuyển 30.000 tấn hàng hóa về cảng sẽ giảm rất nhiều áp lực cho giao thông đường bộ. Bởi, nếu muốn vận chuyển 30.000 tấn hàng hóa bằng đường bộ sẽ cần khoảng 1.000 chuyến xe container (mỗi xe chở 30 tấn). Áp lực lên hạ tầng đường bộ là rất cao. Cảng quốc tế Long An sẽ phần nào giải quyết được vấn đề này.
Theo dantri.com.vn