• English

Tin thị trường

Lợi ích người đi vay vẫn được đảm bảo

Thông tư số 39 bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là đúng, phù hợp với Bộ luật Dân sự mới. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình thực chất chỉ là thay đổi cái vỏ hình thức là tên gọi. Còn bản chất thì vẫn cơ bản như cũ.

NHNN vừa ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định việc cho vay của các TCTD đối với khách hàng. Theo quy định mới tại Thông tư này chủ thể tham vay vốn chỉ có cá nhân, pháp nhân. Quy định này khác với trước đây bao gồm cả các hộ gia đình, hộ kinh doanh. Vì vậy, nhiều ý kiến băn khoăn, từ ngày 15/3 - ngày Thông tư 39 có hiệu lực thì các hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ không được vay vốn. Hiểu như vậy có đúng hay không?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: Đúng là theo Bộ luật Dân sự cũ quy định rất nhiều các loại chủ thể giao dịch ngoài cá nhân, pháp nhân thì còn có hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, DN tư nhân. Hiện tại Bộ luật Dân sự mới (có hiệu lực từ 2017) chỉ thừa nhận hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa những đối tượng trên biến mất mà vẫn được ghi nhận ở trong Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã. Chúng ta vẫn phải thừa nhận đấy là một thực thể và được Nhà nước công nhận.

Nói như vậy, quy định trên tại Thông tư 39 là đúng?

Đúng vậy. Thông tư số 39 bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là đúng, phù hợp với Bộ luật Dân sự mới. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình thực chất chỉ là thay đổi cái vỏ hình thức là tên gọi. Còn bản chất thì vẫn cơ bản như cũ. Khác là, từ năm 2017 trở đi, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của một hoặc một số cá nhân. Chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Có nghĩa là trước đây đối với hộ gia đình hay kinh doanh, có thể chỉ cần chủ hộ gia đình hoặc chủ hộ kinh doanh đại diện hộ ký hợp đồng với NH. Nhưng giờ theo quy định mới thì nếu hộ gia đình hay hộ kinh doanh có một thành viên thì chỉ cần một người duy nhất ký hợp đồng với NH. Còn nếu hộ đó có 3 hay 5 thành viên thì tất cả các thành viên đều phải ký.

Hoặc một người đứng tên đến ký hợp đồng với NH và những người khác có giấy ủy quyền cho người đó ký. Tôi cho rằng thay đổi chỉ để chuẩn hóa về mặt pháp lý cho đúng quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Bản chất về giao dịch, lợi ích của các bên nói chung không bị ảnh hưởng.

Vậy khi chuyển sang tư cách pháp nhân ký hợp đồng vay vốn, theo ông việc này có khó khăn gì cho các đối tượng trên không. Các quyền lợi chuyển từ hộ sang cá nhân liệu có vướng mắc gì không?

Theo quy định từ trước đến nay của NH chỉ có hai hình thức vay chính là cho vay kinh doanh và cho vay tiêu dùng. Với DN thường là cho vay kinh doanh, còn cá nhân thì có thể là kinh doanh hoặc tiêu dùng. Nếu cho vay tiêu dùng thì NHNN đã có quy định cơ chế riêng tại Thông tư 43. Còn nếu như hộ cá nhân kinh doanh thì đương nhiên vẫn cứ thực hiện theo những quy định về điều kiện kinh doanh thông thường như uy tín, về khả năng trả nợ, tài sản bảo đảm… Do đó, sẽ không ảnh hưởng gì đến lãi suất, hay khả năng vay vốn của đối tượng khách hàng trên.

Theo ông, những đơn vị hoặc cơ quan nào sẽ có trách nhiệm trong việc hướng dẫn hộ kinh doanh (hiện khoảng 5,6 triệu) thực hiện theo đúng quy định?

Đối với hộ kinh doanh liên quan đến rất nhiều cơ quan quản lý như Bộ Tài chính theo dõi về thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cấp phép. Ngoài ra liên quan đến nhiều các giao dịch khác thì phải là Bộ luật Tư pháp và Bộ luật Dân sự hướng dẫn…

Hiện nay mới chỉ đề cập đến việc vay vốn NH thôi, còn trong rất nhiều quan hệ liên quan đến những đạo luật khác. Vì vậy, tôi cho rằng, vẫn cần có những giải thích chính thức của cơ quan có thẩm quyền để những người dân, đối tác, các cơ quan quản lý nắm bắt, thống nhất để thực hiện một cách đồng bộ, tránh tình trạng mỗi nơi sẽ hiểu một kiểu, dẫn đến những rủi ro pháp lý, ảnh hưởng đến giao dịch dân sự thông thường.

Xin cảm ơn ông!


Đăng ký nhận tin
KienlongBank