• English

Tin thị trường

Lập thêm barie chặn rủi ro

Ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh đối với an toàn hoạt động của hệ thống.

Không chỉ giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn 40% từ đầu năm 2019, theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 của NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các TCTD sẽ phải loại trừ một số khoản mục khỏi vốn cấp 2 riêng lẻ, bao gồm: Trái phiếu chuyển đổi do TCTD khác phát hành; nợ thứ cấp do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành.

Còn đối với trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp được mua, đầu tư trước ngày 12/2/2018, TCTD phải trừ khỏi vốn cấp 2 theo lộ trình sau đây: Từ ngày 12/2/2018 đến hết ngày 31/12/2018: trừ 25% giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp; Từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019: trừ 50% giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp; Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020: trừ 75% giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp; Từ ngày 1/1/2021: trừ toàn bộ giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp.

 

 

 

 

Cụ thể, đối với trái phiếu chuyển đổi do TCTD khác phát hành; nợ thứ cấp do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành được mua, đầu tư kể từ ngày 12/2/2018, TCTD phải loại trừ khỏi vốn cấp 2 kể từ ngày mua, đầu tư.

Mặc dù NHNN đưa ra lộ trình đến 1/1/2021, các TCTD phải trừ toàn bộ giá trị khoản mua, đầu tư trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp trên, nhưng theo giới chuyên gia đánh giá quy định này chắc chắn ảnh hưởng đến vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR). Bởi thời gian vừa qua nhiều ngân hàng thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp để tăng thêm vốn cấp 2. Lý do mà các ngân hàng muốn phát hành trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp để tăng vốn cấp 2 được CEO một ngân hàng chỉ ra đó là xử lý biện pháp tức thời để tăng vốn khi không tăng vốn bằng hình thức phát hành cổ phiếu hoặc là kêu gọi đóng góp của các cổ đông. Lợi ích nữa đối với ngân hàng là tiết kiệm thêm “chi phí”.

Theo diễn giải của vị này, vốn cấp 1 thường là nguồn vốn đắt đỏ nhất vì phải phân chia quyền lợi cho các cổ đông mới. Trong khi trái phiếu chuyển đổi hay nợ thứ cấp thường có lãi suất khá thấp và các ngân hàng không phải chia cổ tức cho cổ đông mới, các “chủ nợ” không liên quan đến sở hữu, biểu quyết phân chia lợi nhuận của ngân hàng. Vấn đề có lợi nữa cho ngân hàng là chi phí phát sinh từ vốn cấp 2 vẫn được tính vào chi phí của ngân hàng. Trong khi đó, nếu tăng vốn cấp 1, ngân hàng phải chia cổ tức cho cổ đông từ lợi nhuận của mình.

Vấn đề đặt ra, tại sao NHNN lại chọn khoản mục này loại ra khỏi danh mục vốn cấp 2. Theo Bản giải trình của NHNN khi đưa ra dự thảo Thông tư 19 đó là, do công cụ nợ khác do TCTD phát hành được tính vào cấu phần vốn cấp 2 khi tính vốn tự có riêng lẻ và hợp nhất. Vì vậy, các TCTD có thể mua công cụ nợ do TCTD khác phát hành lẫn nhau nhằm làm tăng ảo vốn cấp 2. Do đó, để tránh tình trạng tăng ảo vốn cấp 2, Thông tư 19 bổ sung khoản phải trừ khỏi vốn cấp 2 của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khoản đầu tư nợ thứ cấp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành đáp ứng đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2 của tổ chức phát hành.

Đồng tình với quan điểm này, song lãnh đạo một ngân hàng bổ sung, trên thực tế khả năng rủi ro phát sinh từ trái phiếu chuyển đổi vẫn có từ việc không thể chuyển đổi thành cổ phiếu, vì quyền có chuyển đổi hay không phụ thuộc vào trái chủ (người mua trái phiếu chuyển đổi – PV). Người mua trái phiếu chuyển đổi có quyền được chuyển đổi thành cổ phiếu chứ không phải là nghĩa vụ buộc họ phải làm. Nếu không thích thì họ vẫn giữ trái phiếu. Như vậy, trái phiếu chuyển đổi không hoàn toàn là nguồn vốn ổn định của ngân hàng. Nếu tính vào vốn cấp 2 vô hình trung có thể đánh giá không đúng vào tính an toàn hoạt động.

Như vậy, việc bị loại trừ trái phiếu chuyển đổi ra khỏi vốn cấp 2 chắc chắn sẽ tác động đến hệ số CAR theo hướng giảm đi. Trong khi đó, theo mục tiêu và lộ trình thực hiện chuẩn mực Basel II, áp lực đang đặt ra các NHTM Việt Nam phải nâng cao được hệ số này. Để đáp ứng yêu cầu này giờ đây các ngân hàng chỉ có cách nâng cao vốn tự có hoặc phải điều chỉnh lại tăng trưởng tín dụng cho phù hợp với quy mô vốn của mình.

Các chuyên gia nhận xét rằng, trước mắt, các quy định trên tạm thời gây khó cho ngân hàng, nhưng về lâu dài lại khá tích cực. “Cách thức trên buộc các ngân hàng nâng cao hàng rào kỹ thuật an toàn hoạt động theo hướng tạo gối đệm dày hơn thông qua việc tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời cơ cấu lại hoạt động tín dụng hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh hiệu quả, giảm tỷ trọng vốn vào các phân khúc có hệ số rủi ro cao cũng như tiềm ẩn rủi ro cao chứ không thể vung tiền cho vay thoải mái như trước kia nữa”, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhìn nhận và cho rằng, thời gian tới các biện pháp khống chế bằng các hệ số tài chính cần được khuyến khích hơn, theo đó giúp NHNN giảm dần các biện pháp hành chính như room tín dụng…


Đăng ký nhận tin
KienlongBank