• English

Tin thị trường

Lập Kế hoạch tài chính trung hạn: Chủ động xử lý trước các biến động kinh tế

(TBTCVN) - Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 5 năm và KHTC – ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2017 nhằm khắc phục hạn chế của cách lập dự toán NSNN hàng năm hiện nay

Tăng cường hiệu lực quản lý tài chính công phù hợp với thông lệ quốc tế. Bộ Tài chính hiện đang dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 6 này. 

Kiểm soát bội chi, nợ công

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những năm qua, dự toán NSNN đã thể hiện một số ưu điểm nổi bật, đó là tính chính xác cao và dễ làm, dễ thực hiện hơn so với các kế hoạch tài chính trung hạn do thời gian dự báo khá ngắn, khoảng 1 năm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại hạn chế nhất định như thiếu tính linh hoạt, chủ động trước các biến động lớn về kinh tế, xã hội, môi trường...  

Trên thực tế cho thấy, việc lập dự toán NSNN hàng năm đã không lường trước được các rủi ro sẽ xảy ra 3 - 5 năm sau đó. Do đó không có giải pháp phù hợp để hạn chế bội chi, kiểm soát nợ công vào những năm kinh tế phát triển thuận lợi, dành dư địa cho những năm khó khăn. 

Vì vậy, khi sự phát triển của nền kinh tế có xu hướng giảm sút, nguồn thu NSNN gặp khó khăn thì cả bội chi ngân sách và dư nợ công đều có xu hướng tăng mạnh, bội chi NSNN trong một số năm đã vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó, dự toán NSNN hàng năm cũng không đảm bảo phân bổ, sử dụng nguồn lực NSNN cho các ưu tiên chiến lược của nền kinh tế và hạn chế hiệu quả, hiệu lực chi tiêu ngân sách.

Việc triển khai Khung tài chính trung hạn đã và đang được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Được biết, tính đến cuối năm 2008 đã có khoảng 2/3 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai Khung tài chính ngân sách trung hạn và đều đạt được những kết quả về tăng cường kỷ luật tài khóa, tăng cường vai trò điều tiết, ổn định nền kinh tế của Chính phủ, cải thiện công tác quản lý, phân bổ nguồn ngân sách, tập trung vào các ưu tiên của nền kinh tế, tăng cường hiệu quả chi tiêu ngân sách...

Theo đánh giá của Vụ NSNN (Bộ Tài chính), từ thực tế những năm qua cho thấy, nguồn lực NSNN là có hạn, trong khi nhu cầu chi tiêu lại rất lớn. Việc lập dự toán NSNN hàng năm có xu hướng tập trung vào các nhu cầu cụ thể của từng năm, dẫn tới phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các ưu tiên chiến lược trong trung, dài hạn của nền kinh tế và tổng hợp nhu cầu của các năm thường vượt khả năng cân đối nguồn lực trong cả giai đoạn. 

Nhiều nhiệm vụ chi kéo dài trong một số năm, nhưng lập dự toán NSNN hàng năm không tính toán nhu cầu ngân sách từ khi bắt đầu, đến khi kết thúc nhiệm vụ chi. Điều đó dẫn đến hậu quả không đảm bảo được việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ - đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc kéo dài thời gian thực hiện, lãng phí, nợ đọng...

Cũng theo Vụ NSNN, mặc dù Bộ Tài chính đã có sự phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các chỉ tiêu tài chính - NSNN 5 năm cùng thời kỳ với Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, song do việc lập dự toán NSNN hàng năm chủ yếu vẫn dựa trên khả năng nguồn thu và các nhu cầu chi cụ thể của từng năm, nên các hạn chế nêu trên vẫn chậm được khắc phục.

Thêm vào đó, một số nhiệm vụ chi hiện đã được lập kế hoạch ngân sách cho nhiều năm, ví như các chương trình, dự án đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, các đề án... hướng tới kết quả đầu ra. Song, do NSNN và phần lớn các nhiệm vụ chi khác vẫn lập hàng năm, nên chưa đảm bảo được việc bố trí kinh phí như dự kiến đối với các nhiệm vụ chi này. 

Từng thí điểm lập các kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn

Để giải quyết những hạn chế nêu trên, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai tổ chức thí điểm lập kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn 3 năm tại 6 bộ và 4 địa phương trong giai đoạn 2004 – 2009. Hoạt động này đã đem lại những kết quả tích cực đối với công tác quản lý tài chính - NSNN và quản lý nợ trên phạm vi cả nước.

Trong đó, kết quả có thể nhìn thấy rõ nhất là, chất lượng công tác dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN trong trung hạn và hàng năm đã được nâng cao rõ rệt.

Đồng thời, hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách được nâng cao. Thông qua việc lập kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm, cho phép đánh giá khả năng huy động nguồn lực cho NSNN và xác định mức trần chi tiêu của các bộ, ngành, địa phương trong kỳ trung hạn. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ, chế độ, chính sách theo các ưu tiên phát triển và lựa chọn cách thức tổ chức, hoạt động phù hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.

Đặc biệt, lập kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn 3 năm đã góp phần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính - NSNN. Nhờ được lập cho thời hạn 3 năm và theo phương thức cuốn chiếu, nên kế hoạch tài chính trung hạn phản ánh kịp thời xu hướng phát triển, khả năng nguồn lực của nền kinh tế, tính hợp lý của trần chi tiêu ngân sách và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách. 

Như vậy trong bối cảnh nguồn NSNN khó khăn, eo hẹp, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động thì việc triển khai khung tài chính trung hạn là bước đi vô cùng thiết thực và sáng suốt. Đánh giá về vấn đề trên, Bộ Tài chính nhấn mạnh: Việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm là cần thiết, với đầy đủ các căn cứ và đáp ứng được đòi hỏi khách quan của công tác quản lý tài chính - NSNN trong tình hình mới.

Tố Uyên/ Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank