Trong những ngày qua, nhiều ngân hàng có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động (LSHĐ). Trao đổi nhanh với Thời báo Ngân hàng, chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực cho rằng:
Động thái tăng LSHĐ của các ngân hàng xuất phát từ yếu tố chủ quan và khách quan. Về khách quan, trên thế giới, Fed và một số NHTW tăng lãi suất khiến cho mặt bằng lãi suất USD tăng lên. Còn yếu tố chủ quan từ phía ngân hàng thì có ba lý do.
Một là, các ngân hàng tăng cường huy động vốn đáp ứng nhu cầu thời vụ giai đoạn cuối năm thường tăng cao hơn. Hai là, các ngân hàng phải huy động vốn đáp ứng yêu cầu của Thông tư 16/2018/TT-NHNN, đó là từ ngày 1/1/2019 các ngân hàng chỉ được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Vì vậy, họ phải chuẩn bị nguồn vốn nhiều hơn, kể cả ngắn trung và dài hạn. Ba là, một số ngân hàng bắt đầu phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2 đáp ứng yêu cầu an toàn vốn cũng như chuẩn mực Basel II trong thời gian tới.
Có ý kiến nhận định, nhiều ngân hàng tăng lãi suất để hút vốn chờ được nới room xin room tín dụng. Theo ông, có nên nới room cho các NHTM?
Quan điểm của tôi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2018 là chỉ tiêu định hướng, không cần tăng trưởng đến mức này bằng mọi giá. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn vốn tín dụng chỉ là một trong 3 nguồn vốn chủ chốt cho nền kinh tế, nên không nhất thiết phải thúc đẩy tín dụng mới tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng nhanh quá sẽ tạo áp lực lên hệ số CAR của các NHTM lớn. Mở rộng tín dụng trong khi tăng vốn của các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn khiến cho hệ số CAR càng ngày càng nhỏ đi. Như thế khó có thể đáp ứng được khả năng thanh khoản cũng như yêu cầu của Basel II. Trên thực tế, mới đây các tổ chức quốc tế như Moody’s, IMF cũng đã cảnh báo Việt Nam tăng trưởng tín dụng tương đối nhanh trong thời gian vừa qua, tiềm ẩn rủi ro lâu dài.
Việc tăng lãi suất đầu vào như vậy, theo ông có tác động đến lãi suất đầu ra hay không?
Tôi cho rằng, về cơ bản lãi suất đầu ra khó có thể tăng được. Vì Chính phủ chỉ đạo và NHNN quyết tâm cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định. Mặt khác, khi ngân hàng tăng lãi suất đầu ra đương nhiên là DN sẽ có phản ứng. Do đó, các ngân hàng phải có những giải pháp thay thế để bù đắp khoản thiếu hụt này thay vì tăng lãi suất đầu ra. Theo tôi, để vẫn đạt được lợi nhuận như kỳ vọng, các ngân hàng nên tiếp tục quản lý chi phí tốt hơn, đa dạng hoá dịch vụ để tăng nguồn thu bù đắp thiếu hụt chi phí cho lãi suất hoặc đẩy mạnh hơn bán lẻ, cho vay DNNVV. Đây là những phân khúc giúp ngân hàng có biên lợi nhuận cao hơn so với bán buôn.
Liệu xu hướng tăng này tạo sức ép cho năm sau không thưa ông?
Sức ép đối với tăng lãi suất là rõ ràng khi trên thế giới lãi suất nhiều NHTW tăng nhanh, đà tăng lãi suất của Fed vẫn tiếp tục. Còn nội tại Việt Nam, áp lực lạm phát vẫn còn lớn. Vì vậy, theo tôi, khả năng NHNN có thể tính tới cân nhắc điều chỉnh nhẹ lãi suất điều hành chủ yếu là lãi suất tái cấp vốn. Hiện lãi suất tái cấp vốn NHNN áp dụng là 6,25%/năm và mức lãi suất này cũng đã kéo dài khoảng hơn 1 năm (từ tháng 7/2017).
Quan điểm của tôi là năm tới có thể NHNN tăng nhẹ lãi suất điều hành lên một chút ở mức 0,25%/năm để một mặt cũng phù hợp xu thế tăng lãi suất trên thế giới. Mặt khác cũng giúp tăng mức độ hấp dẫn của đồng VND so với USD trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng giá. Nên muốn tăng hấp dẫn đồng VND thì phải tăng nhẹ lãi suất, nhưng không tăng quá nhiều. Nếu không sẽ đi ngược lại mong muốn Chính phủ cũng như NHNN về việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Xin cảm ơn ông!
Hà Thành thực hiện