Thời gian gần đây một số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã làm dấy lên lo ngại lãi suất tiền gửi tăng theo sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay thời gian tới, cũng như quan ngại làn sóng đua lãi suất của những năm trước tái hiện.
Tuy nhiên chia sẻ tại buổi Giao lưu trực tuyến “Đường đi của Lãi suất năm 2017” do Báo Trí thức trẻ phối hợp với trang tin tài chính kinh tế Cafef.vn tổ chức chiều 28/3, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho biết việc tăng lãi suất của một số ngân hàng là chủ yếu ở phân khúc trung và dài hạn và tùy thuộc vào nhu cầu vốn của thị trường. Nhìn chung, lãi suất nhích lên nhưng không nhiều dù cũng là một áp lực đối với thị trường năm nay.
TS. Nguyễn Đức Độ cũng đồng tình quan điểm của TS. Lực, đồng thời giải thích thêm rằng nguyên nhân khiến cho lãi suất tăng chủ yếu là do lệch kỳ hạn tiền gửi ngắn hạn và tiền cho vay mang tính chất trung dài hạn.
“Hiện nay, các ngân hàng ở Việt Nam đang thiếu vốn dài hạn, tuy nhiên cũng không phải là tất cả, người gửi tiền muốn kỳ hạn ngắn vì nhiều người gửi tiền chỉ muốn gửi ngắn hạn do sợ lãi suất tăng thêm hoặc để còn lướt sóng giữa VND, vàng, USD hay chứng khoán chuyển sang ... Điều này khiến các ngân hàng dễ rơi vào trạng thái mất cân đối về kỳ hạn khi các khoản huy động vốn ngắn hạn lại phải đem cho vay với kỳ hạn dài”, ông Độ nói.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, giám đốc khối khách hàng cá nhân của công ty chứng khoán SSI thì lại có quan điểm khác. Ông Linh phân tích rằng vấn đề lệch kỳ hạn không phải vấn đề quá lớn và không kéo dài, có thể ngắn, sẽ không đủ tạo sóng tăng lãi suất ngân hàng như tháng 3 vừa qua. Và theo ông có 3 nhân tố chính ảnh hưởng đến lãi suất là lạm phát, tỷ giá và thanh khoản ngân hàng.
Về lạm phát, trong 2 tháng đầu năm 2016 lạm phát đạt 0,42%; trong khi đó 2 tháng đầu năm 2017 là 0,69%; lạm phát 2017 cao hơn do tăng giá xăng dầu. Với giá dầu giảm, giá lương thực thực phẩm ổn định, áp lực lạm phát không thực sự lớn.
Về tỷ giá, dù rằng FED nâng lãi suất nhưng kể từ khi nâng lãi suất thì đồng USD lại mất giá Chỉ số Dollar Index đã giảm 1% kể từ ngày 15/3. Các đồng tiền lớn, kể cả CNY đều lên giá so với USD và VND, vì thế làm tăng lợi thế hàng hóa xuất khẩu của Việt nam.
Ông Linh e ngại tiềm ẩn rủi ro tỷ giá là có do nhập siêu và lượng cung ngoại tệ giảm trong khi cầu tăng. 2 tháng 2017 nhập siêu 800 triệu USD (cùng kỳ xuất siêu 675 triệu USD). Kiều hối về Việt nam giảm do lãi suất tại Mỹ tăng nhanh trong khi Việt Nam duy trì lãi suất USD 0%. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự định đóng cửa sửa chữa, làm tăng nhu cầu USD để nhập khẩu xăng dầu thành phẩm.
Về vấn đề thanh khoản ngân hàng, ông Linh cho biết trong tháng 3 khá căng thẳng, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 22/3 tăng lên 4,87% (tháng 3 năm 2016 cao nhất là 4,5%, cuối tháng 2/2017 là 3,25%), nhu cầu vay OMO xuất hiện sớm, dư nợ hiện tại là 25,7 nghìn tỷ.
Các NHTM cũng đặt kỳ vọng lãi suất tăng, thể hiện ở mức lãi suất đấu thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tuần 24/3 là 5%-5,6% trong khi vào tuần 24/2 thấp hơn, ở mức 4,85%-5,5%. Thanh khoản giảm khiến nhu cầu đấu thầu TPCP cũng giảm, tuần 24/2 có 3,9 nghìn tỷ đặt thầu TPCP 5 năm, tuần 24/3 chỉ còn 2,5 nghìn tỷ.
Ngoài ra, số liệu mà ông Linh có được cho thấy huy động vốn đang tăng chậm hơn nhiều so với tín dụng cũng là yếu tố tác động đến thanh khoản phần nào.
Và ông Linh kết luận rằng, có thể thấy thanh khoản là một nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động tăng. Song đại diện công ty chứng khoán SSI nhận định, việc lãi suất tăng trong thời gian qua có thể chỉ là ngắn hạn và kỳ vọng trong thời gian tới sẽ ổn định trở lại.
Phản hồi lại ý kiến về việc thanh khoản của ngân hàng có vấn đề trong thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực cho rằng những con số đó chưa đáng lo ngại và thanh khoản cũng không đến mức căng thẳng như vậy. Và theo các số liệu mà ông có thì đến cuối quý 1/2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn ở mức tương đương nhau. Ngoài ra, theo ông Lực huy động vốn có tăng chậm hơn đôi chút so với tín dụng trong giai đoạn đầu năm, đặc biệt là tháng 1 và tháng 2 cũng là bình thường bởi yếu tố mùa vụ khi nhu cầu tiền mặt trước mỗi dịp Tết nguyên đán thường rất cao.
Tùng Lâm/ Theo Trí thức trẻ