• English

Tin thị trường

Kinh tế - xã hội đất nước có sự đóng góp quan trọng của ngân hàng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy, tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2018 do NHNN tổ chức chiều ngày 9/1/2018.

Điểm lại những kết quả kinh tế - xã hội năm 2017 trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,81%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%, Thủ tướng ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng.

“Kết quả trên nhiều mặt có sự đóng góp quan trọng trực tiếp của hệ thống ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), với vai trò vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, "CSTT tốt như vậy đã tạo cho phát triển của đất nước, lạm phát, tỷ giá, dự trữ ngoại hối mà không đạt được mục tiêu thì làm sao kinh tế có thể phát triển được".Nói về thành tích tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, con số 53 tỷ USD do trực tiếp NHNN chỉ đạo điều hành mua vào đã tạo niềm tin, uy tín của Việt Nam cho các nhà đầu tư.

Đi vào những nội dung cụ thể trong điều hành CSTT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những thành tích nổi bật của ngành Ngân hàng:

Thứ nhất, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, hiệu quả, duy trì được sự ổn định thị trường tiền tệ, tiếp tục kiểm soát lạm phát 3,53%, thấp hơn mục tiêu đề ra, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác.Thứ hai, tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2017 ở mức 18,17% - dưới mức dự kiến Chính phủ đặt ra là 22%. Điều đó cho thấy chất lượng tăng trưởng tín dụng đã được nâng lên; chất lượng tăng trưởng kinh tế được nâng lên.

Thứ ba, chính sách lãi suất được điều hành hợp lý, lãi suất cho vay trong năm qua đã giảm 0,5-1% giúp DN giảm bớt chi phí vốn.

Thứ tư, cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch tích cực, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên tới trên 80%; tín dụng cho bất động sản, chứng khoán kiểm soát tương đối tốt. Bên cạnh đó, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai tích cực tạo động lực hỗ trợ trực tiếp cho các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Thứ năm, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được ngành Ngân hàng quan tâm triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. NHNN sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và chủ động đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý giúp đẩy nhanh quá trình này. Tôi đánh giá cao NHNN đã tập trung trình Chính phủ ban hành Quyết định 1058 về Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

"Vấn đề thể chế chính sách phát triển hệ thống ngân hàng vô cùng quan trọng. Quản lý Nhà nước chính là xây dựng thể chế. Từ thể chế đó chúng ta đã cơ cấu lại hệ thống các TCTD và các ngân hàng đã triển khai sớm và đạt kết quả tốt. Qua đó tiếp tục củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng và đóng góp thiết thực vào quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ sáu, công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, có ý nghĩa thiết thực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Nhờ đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Năm 2017 cũng là năm thứ hai liên tiếp NHNN dẫn đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính.

Thứ bảy, hệ thống NHTM đã cung cấp, an sinh xã hội rất kịp thời cho vùng khó khăn. Có những ngân hàng làm tới hàng chục trường học, làm hàng trăm ngôi nhà cho vùng bão lũ. Ngân hàng đã chia sẻ lợi ích của mình cho người nghèo, vùng thiên tai bão lũ.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý một số vấn đề cần được ngành Ngân hàng tiếp tục quan tâm xử lý để đạt kết quả tốt hơn, như:

Mặc dù chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể nhưng chưa chủ động mạnh mẽ theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế; Quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD vẫn diễn ra chậm hơn so với yêu cầu. Một số TCTD còn thiếu mạnh dạn, thiếu quyết tâm trong việc giải quyết hạn chế yếu kém và xác định lộ trình, giải pháp thực hiện tái cơ cấu và chiến lược phát triển kinh doanh…

Từ những hạn chế tồn tại nếu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Ngân hàng đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động năm 2018 của Chính phủ với 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” để hỗ trợ Chính phủ chương trình triển khai kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng, nhằm đạt được các mục tiêu năm 2018 và cả nhiệm kỳ.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng đồng ý với 8 chữ theo đề xuất của NHNN là “chủ động, an toàn, linh hoạt, hiệu quả” và đề nghị ngành Ngân hàng thực hiện 6  nhiệm vụ trọng tâm: 

Thứ nhất, chính sách tiền tệ, tỷ giá phải tiếp tục được điều hành hiệu quả và kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để  thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 cũng như trong trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ chính trị tổng quát, xuyên suốt của ngành Ngân hàng với vai trò chủ đạo để cùng với các Bộ, ngành thực hiện cho được mục tiêu chung của Chính phủ.

Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Phát huy vai trò chủ đạo của thị trường tiền tệ trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, hỗ trợ thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Thứ hai, tín dụng ngân hàng cần tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Muốn vậy, tín dụng cần tiếp tục được mở rộng hợp lý và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng. Đồng thời, cần quan tâm phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô để góp phần kích thích sản xuất phát triển. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

“Đề nghị NHNN tiếp tục vươn lên với tầm nhìn rộng lớn hơn thực hiện đúng chức năng về điều tiết kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cho vay công bằng trong khu vực các lĩnh vực của nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Thứ ba, tập trung nguồn lực thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD lành mạnh củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, phấn đấu Việt Nam có một số ngân hàng có quy mô ngang tầm với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, các TCTD phải thực hiện nâng cấp về vốn, quản trị rủi ro và giám sát tài chính cho hệ thống ngân hàng trong nước theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

NHNN và các TCTD cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và vấn đề rủi ro đạo đức để có biện pháp quản lý hữu hiệu, hạn chế tối đa những sai phạm do cố ý làm trái gây ra.

Thứ năm, phát triển, ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để theo kịp xu hướng phát triển mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn để hạn chế những rủi ro, tiêu cực, tội phạm từ mặt trái của công nghệ số. Tiếp tục triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thực hiện Đề án hoàn thiện khung phát lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Phải có thể chế để quản lý để đảm bảo an toàn.

Đẩy mạnh công tác truyền thông và làm tốt công tác giáo dục tài chính cộng đồng để nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Thúc đẩy các dự án nghiên cứu tăng khả năng ứng phó của hệ thống ngân hàng đối với rủi ro hệ thống.

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ ngân hàng. Tạo điều kiện đầu tư kinh doanh phát triển, khuyến khích khởi nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

Thủ tướng cũng đề nghị NHNN cần quan tâm tới phẩm chất cán bộ ngân hàng, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, siết chặt kỷ luật kỷ cương.

"Tất cả các cán bộ làm ngân hàng phải thực hiện phương châm mà Chính phủ đưa ra là  “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”", Thủ tướng nhấn mạnh.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank