• English

Tin thị trường

Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ: “Mở cửa” có điều kiện

Không phải bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tham gia mua bán nợ mà phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu (XLNX) của các tổ chức tín dụng (TCTD). Không chỉ giới ngân hàng mà cả thị trường kỳ vọng Nghị quyết sẽ là lực đẩy mạnh cho tiến trình XLNX nhanh, hiệu quả hơn. Bởi một trong những nội dung của Nghị quyết là mở rộng đối tượng tham gia XLNX.

Trước đây, do đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên thị trường mua bán nợ đang trong quá trình hình thành và có những điểm khác biệt so với thị trường mua bán nợ ở các nước trên thế giới. Hàng hóa nợ của tổ chức, cá nhân có nhu cầu bán chưa nhiều, chủ yếu vẫn là khoản nợ cần bán của TCTD, DNNN.

Trên thị trường vẫn chưa có nhiều tổ chức, DN thành lập với chức năng chuyên mua bán nợ (hiện mới chỉ có Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam - DATC (thuộc Bộ Tài chính), Công ty quản lý khai thác tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC (thuộc NHNN Việt Nam) và các Công ty quản lý và khai thác tài sản - AMC (thuộc các NHTM). Bên cạnh đó cơ chế tổ chức, vận hành, quản lý các DN, công ty, nhà đầu tư mua bán nợ chuyên nghiệp chưa đầy đủ, chính sách tạo hành lang, môi trường cho thị trường mua bán nợ phát triển chưa đồng bộ…

Nay, theo Điều 6 Nghị quyết về XLNX của TCTD việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, XLNX được quy định cụ thể, mở rộng hơn: Tổ chức mua bán, XLNX được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD (trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài), được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của NHNN. Tổ chức mua bán, XLNX được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ...

Như vậy không những “hàng hóa” của thị trường mua bán nợ có tính thanh khoản cao hơn, mà đối tượng được tham gia thị trường cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên không phải bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tham gia mua bán nợ mà phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Đơn cử, theo quy định tại Luật Đầu tư, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Để có cơ sở hướng dẫn DN thực hiện việc đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, căn cứ trách nhiệm được giao tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP. Đây là cơ sở tiền đề cho các DN đăng ký kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Theo đó, khi bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và trong suốt quá trình hoạt động, DN kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Đồng thời, DN phải lưu trữ tài liệu đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết quy định về việc đáp ứng các điều kiện về vốn, về quy chế quản lý nội bộ, về người quản lý DN.

Riêng các DN kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ trước thời điểm kinh doanh phải có thêm các tài liệu sau: Báo cáo tài chính được kiểm toán chứng minh đã kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ít nhất 1 năm tính đến thời điểm bắt đầu kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ và doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của năm liền kề trước năm thực hiện kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch đạt ít nhất 500 tỷ đồng; bản chính thuyết minh về cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch. Đồng thời, các DN cũng phải có các hợp đồng lao động ký với ít nhất 2 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc ít nhất 2 nhân viên có thẻ thẩm định viên về giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/7/2017. Đối với các DN kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thành lập và hoạt động kinh doanh trước ngày Nghị định số 69/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì chậm nhất vào ngày 1/7/2017, DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, hoàn thiện các tài liệu chứng minh và công bố công khai việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại trụ sở chính và trên trang thông tin điện tử của DN.

Trước ngày 1/7/2017, DN phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đáp ứng hoặc không đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Trong trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán nợ và phải báo cáo cơ quan đăng ký kinh doanh…


Đăng ký nhận tin
KienlongBank