Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2021 đạt 668,55 tỷ USD, tăng hơn 100 tỷ USD so với năm 2020.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 668,55 tỷ USD theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa vừa công bố.
Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Với kết quả trên, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD.
Năm 2021, cả nước có 8 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, tăng 2 nhóm so với năm 2020. 2 nhóm mới đạt được mốc 10 tỷ USD là sắt thép với 13,1 triệu tấn, kim ngạch 11,8 tỷ USD tăng 32,9% về lượng nhưng tăng tới 124,3% về kim ngạch; nhóm hàng còn lại là phương tiện vận tải và phụ tùng với 10,62 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm trước.
Trong khi đó điện thoại và linh kiện vẫn giữ vị trí số một với 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020.
Chiều ngược lại, nhập khẩu có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên. Trong đó, lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 75,44 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020.
Đáng chú ý, nếu tính cả kim ngạch xuất khẩu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng xuất nhập khẩu đầu tiên của cả nước đạt quy mô từ 100 tỷ USD trở lên (xuất khẩu đạt 50,83 tỷ USD).
Với quy mô kim ngạch đạt được trong năm 2021, nêu trong năm nay chỉ cần duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, xuất nhập khẩu cả nước năm 2022 sẽ vượt mốc 700 tỷ USD.
Đánh giá cao cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2022, ông Andrew Jeffries - Giám Đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, những ngành hàng có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 của Việt Nam gồm: điện tử; máy vi tính; máy móc - thiết bị; dệt may; giầy dép; sắt thép; nông, thủy sản… Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã "chảy" mạnh vào các ngành sản xuất này, cộng với nguồn vốn trong nước tạo nên khả năng cung ứng lớn mạnh trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tương tự, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, tăng trưởng của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, máy tính; máy móc thiết bị, phụ tùng… có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. "Đó đều là những mặt hàng chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; tiếp tục là chủ lực trong xuất khẩu năm 2022 và các năm tới" - ông Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông tin thêm, để thúc đẩy xuất khẩu năm 2022, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.
Theo nguoiduatin.vn