Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, ước năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,01% so với năm 2020; tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn. Đồng thời, về kim ngạch xuất khẩu, ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Chiều 24/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản do nhu cầu tiêu thụ tại các thị truờng trong nước và quốc tế giảm mạnh.
Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của thủy sản. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường EU,...
Về các kết quả đạt được, Tổng cục Thủy sản cho biết, ước năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,01% so với năm 2020; tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn (sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn), tăng 1% so với năm 2020. Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 104,6% so với kế hoạch.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, bước sang năm 2022, ngành thủy sản phấn đấu diện tích nuôi cơ bản giữ ổn định như so với ước thực hiện năm 2021 với tổng diện tích 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha, diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha. Đồng thời, cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.
Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), lợi thế hiện nay của ngành là trong điều kiện khó khăn vừa qua vẫn duy trì được sản xuất sản phẩm tôm và cá tra. Hai mảng này cần tiếp tục duy trì trong thời gian tới khi các thị trường và đối thủ cạnh tranh khác không duy trì được.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, một số ý kiến của các đại biểu cho rằng, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu của toàn cầu tăng trở lại. Để làm được điều này phải nâng cao khả năng cạnh tranh, do đó, cần phòng chống dịch COVID - 19 hiệu quả để duy trì sản xuất, qua đó để có lợi thế trong mở rộng thị phần xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Chiến lược và Đề án ngành thủy sản đã được ban hành, do đó, trong thực hiện triển khai phải tư duy theo hệ thống, hành động quyết liệt và đồng bộ để tạo ra sự chuyển biến trong tổ chức sản xuất và xuất khẩu. Cùng với triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, về nuôi trồng thủy sản cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo chất lượng con giống, đồng thời, kiểm soát tốt hạn ngạch thủy sản khai thác,...
Theo tapchitaichinh.vn