(Chinhphu.vn) - Ngày 19/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành quyết định số 498/NHNN-TTGSNH và 499/NHNN-TTGSNH chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) mở rộng mạng lưới trong năm 2018. Theo đó, sẽ có 17 Chi nhánh, Phòng giao dịch của Kienlongbank được mở mới trên cả nước trong năm nay.
Tập trung tiềm lực sở trường tại thị trường bán lẻ khu vực nông thôn
Công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng theo chiều sâu, nỗ lực tự tái cấu trúc bằng nội lực để củng cố hoạt động, chuẩn bị hòa mình vào dòng chảy phát triển mới, nhằm nâng cao sức khỏe tài chính, an toàn và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng đang tiếp tục được đẩy mạnh. Kienlongbank là một trong số đó, không ngừng đẩy mạnh chiến lược bán lẻ.
Đi đôi với phát triển tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ Kienlongbank liên tục được cải thiện, phát triển mạng lưới giao dịch, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với lợi thế am hiểu thị trường và hiểu rõ khách hàng, Kienlongbank đã thực sự thành công trong lĩnh vực khai thác cho vay lĩnh vực sản xuất – kinh doanh - dịch vụ của tiểu thương nhỏ lẻ và nông dân.
Phát huy thế mạnh của mình, những năm gần đây, Kienlongbank tiếp tục đầu tư vào thị trường này. Năm 2016, Kienlongbank đã khai trương thêm 14 chi nhánh (CN), phòng giao dịch (PGD) tại các địa phương mà Ngân hàng có lợi thế.
Tuy hoạt động tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong một năm trở lại, nhưng tất cả 14 đơn vị trên đều hoạt động kinh doanh rất hiệu quả, số lượng khách hàng gia tăng đáng kể, với những chính sách kinh doanh đặc thù và khác biệt, nhiều sản phẩm tiện ích, lãi suất hợp lý, đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng, phục vụ đông đảo bà con nông dân.
Mở rộng mạng lưới để phát triển
Chính vì những lý do đó NHNN đã có những đánh giá tích cực về năng lực quản trị điều hành cũng như kết quả kinh doanh khả quan của Kienlongbank trong thời gian qua. Được sự chấp thuận của NHNN về việc phát triển thêm 17 đơn vị mới trong năm 2018, Kienlongbank sẽ nâng tổng số điểm giao dịch lên 134 điểm và hiện diện ở hầu hết các tỉnh, thành phố và địa phương.
Cụ thể, Kienlongbank được cấp phép thành lập thêm thêm 3 CN, gồm: CN Lâm Đồng (Lâm Đồng), CN Quảng Nam (Quảng Nam), CN Cần Giờ (huyện Cần Giờ, Tp. HCM); và 14 PGD, gồm: PGD Bắc Bình (Bình Thuận), PGD Bồng Sơn (Bình Định), PGD Cẩm Lệ (Đà Nẵng), PGD Long Thành và PGD Hố Nai (Đồng Nai), PGD Sơn Hòa và PGD Tuy An (Phú Yên), PGD Châu Thành (Sóc Trăng), PGD Gò Dầu và PGD Châu Thành (Tây Ninh), PGD Cái Bè (Tiền Giang), PGD Trà Ôn và PGD Vũng Liêm (Vĩnh Long), PGD Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu). Qua đó, giúp Kienlongbank mở rộng mạng lưới, tạo thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, phục vụ đa số khách hàng tại các địa phương.
Kết quả kinh doanh tích cực tạo tiền đề sức bậc trong 2018
Năm 2017, Kienlongbank xác định mục tiêu trọng tâm là điều hành hoạt động bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và định hướng của NHNN, các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng ổn định và đã đạt được những kết quả khả quan.
Cụ thể, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 37.353 tỷ đồng, hoàn thành 102,34% (tăng 22,67% so với năm 2016); tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 24.686 tỷ đồng, hoàn thành 99,94% (tăng 24,89% so với năm 2016); tổng nguồn vốn huy động đạt 33.152 tỷ đồng, hoàn thành 102,01% (tăng 25,74% so với năm 2016).
Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát mức 0,83%; lợi nhuận trước thuế 259,51 tỷ đồng, hoàn thành 103,80% (tăng 71,2% so với năm 2016); các chỉ số an toàn hoạt động đều thực hiện theo đúng quy định của NHNN.
Với lợi thế am hiểu thị trường, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, nền tảng ổn định, bền vững, Kienlongbank hứa hẹn đạt được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới. Đây là một trong những chiến lược kinh doanh trọng tâm của Kienlongbank nhằm thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020, điều hành hoạt động của Kienlongbank bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và định hướng của NHNN.
Minh Đăng/ Báo Chính Phủ