Ngày 8-2, tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM để triển khai nhiệm vụ năm 2017, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho khoảng 220.000 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn chuyển thành doanh nghiệp (DN).
Nhiều cản trở sự chuyển đổi
Năm 2016, TP HCM có khoảng 36.500 DN mới được thành lập và mục tiêu cho năm nay là khoảng 50.000 DN thành lập mới, trong đó một lượng không nhỏ được chuyển lên từ các hộ kinh doanh cá thể. Trên địa bàn TP hiện có khoảng 290.00 hộ kinh doanh cá thể, trong đó trừ số hộ kinh doanh nhà trọ…, số còn lại là 220.000 cơ sở, nếu có nhu cầu phát triển thành DN sẽ là tín hiệu tích cực.
Giám đốc Sở KH-ĐT TP, ông Sử Ngọc Anh, cho biết đã và đang triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo hình thức DN. Cụ thể, sở đã phối hợp với các quận, huyện tổng hợp, phân loại, đánh giá tình hình hoạt động của hộ cá thể, xây dựng kế hoạch chung và hướng dẫn chuyển đổi hình thức kinh doanh. Sở cũng đã làm việc với ngành thuế, bảo hiểm... để rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp; đề xuất chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi loại hình hoạt động, đồng thời đưa ra giải pháp hỗ trợ.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cho rằng một số khu vực như chợ Bến Thành, chợ Lớn... có rất nhiều hộ kinh doanh cá thể nhưng quy mô hoạt động và doanh thu lớn hơn nhiều so với các DN. Để những hộ này chuyển thành DN, cần có đề án cụ thể, phù hợp bởi nhiều cơ sở kinh doanh ngại lên DN.
Sau quá trình kết hợp với các địa phương tìm hiểu nhu cầu của hộ kinh doanh, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP, thừa nhận hộ kinh doanh ngại lên DN do chi phí hoạt động cao hơn. Các ngành đã có giấy phép kinh doanh khi chuyển thành DN sẽ phải xin lại giấy phép cũng là trở ngại... Giải quyết tình trạng này, sở sẽ phối hợp với các quận, huyện để làm giùm hồ sơ cho hộ kinh doanh khi họ muốn chuyển thành DN. Thủ tục cũng được giải quyết nhanh nhằm tạo thuận lợi nhất cho hộ cá thể.
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định với mục tiêu của năm 2017 và phấn đấu đến năm 2021 có khoảng 500.000 DN thành lập mới trên địa bàn, TP cần có giải pháp cụ thể và hướng đến thu hút DN thành lập mới ở những lĩnh vực phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế chứ không nhắm vào con số, thành tích.
“Nếu không tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, kích thích sản xuất thì dứt khoát không thể có đột phá về kinh tế. Ngay việc chuyển hộ kinh doanh cá thể thành DN cũng cần giải quyết bài toán vì sao họ ngại chuyển lên DN, phải tạo điều kiện để hộ cá thể mạnh dạn chuyển đổi” - ông Phong nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu số DN thành lập mới trong năm nay, đại diện Sở KH-ĐT cho biết sẽ tham mưu cho UBND TP có chính sách hỗ trợ DN, phát triển thêm các chương trình hỗ trợ theo nhu cầu của DN. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ, khuyến khích DN nhỏ và vừa tham gia các ngành công nghiệp hỗ trợ, chương trình liên kết ngành, chuỗi giá trị...Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, các chính sách hỗ trợ của TP trong thời gian tới cần tạo điều kiện cho cả DN mới và đang hoạt động.
Dồn vốn cho 7 chương trình đột phá
Theo yêu cầu của Quốc hội, từ năm 2017 đến 2021, ngân sách TP HCM chỉ được giữ lại 18% thay vì hơn 23% như trước đây. Trong khi đó, theo UBND TP, nhu cầu để đầu tư phát triển TP thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực là rất lớn. Do đó, TP cần phải tính toán, cân đối lại cơ cấu đầu tư bằng cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách. Đa dạng hóa phương thức đầu tư, huy động nguồn lực xã hội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở KH-ĐT trong quá trình tính toán vốn cho đầu tư phát triển, cần ưu tiên những công trình trọng điểm thuộc 7 chương trình đột phá của TP, vốn mồi cho các dự án và đặc biệt không để suy giảm vốn cho lĩnh vực văn hóa, xã hội…
Để có vốn cho các dự án thuộc 7 chương trình đột phá, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đề xuất Sở KH-ĐT làm đầu mối kết nối ngân hàng và DN, nhất là DN đầu tư các dự án thuộc chương trình đột phá, như chống ngập, xử lý nước thải, hạ tầng, y tế, giáo dục…
THÁI PHƯƠNG