Không còn cảnh xếp hàng, chờ đợi, thậm chí chen lấn, xô đẩy để quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cho dù thời điểm quyết toán thuế năm 2018 đang ở giai đoạn nước rút (kết thúc vào 31/3/2019). Theo ông Nguyễn Duy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN (Tổng cục Thuế), nguyên nhân là cá nhân nộp thừa không nhất thiết phải quyết toán thuế trước ngày 31/3.
Ông Nguyễn Duy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN (Tổng cục Thuế).
Đối tượng nào phải thực hiện quyết toán thuế TNCN, thưa ông?
Chỉ cá nhân có thu nhập thường xuyên (thu nhập từ tiền lương, tiền công có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên) nếu có số thuế phải nộp thêm sau khi đã khấu trừ; cá nhân có số tiền khấu trừ thuế nhiều hơn số thuế phải nộp (nộp thừa), mà có đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo mới phải quyết toán thuế TNCN.
Tuy nhiên, cá nhân không phải trực tiếp đến cơ quan thuế để khai quyết toán thuế, mà có thể ủy quyền cho tổ chức chi trả thu nhập thường xuyên quyết toán thay, kể cả cá nhân có thu nhập thường xuyên và thu nhập vãng lai không quá 120 triệu đồng/năm đã được tổ trả thu nhập khấu trừ 10%, nếu không có yêu cầu thì cũng không quyết toán thuế đối với phần thu nhập vãng lai và ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập thường xuyên quyết toán thay.
Các đối tượng khác như cá nhân thuộc đối tượng được xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo; cá nhân có cả thu nhập từ nhiều nơi, cả thu nhập thường xuyên và thu nhập vãng lai, trong đó thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế phải trực tiếp đi quyết toán thuế chứ không thể ủy quyền cho tổ chức chi trả thu nhập quyết toán thay.
Như vậy, thay vì có rất nhiều cá nhân phải đi quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế, dẫn tới cảnh ùn tắc, chờ đợi mỗi khi đến kỳ quyết toán thuế TNCN, thì chủ yếu chỉ có tổ chức chi trả thu nhập đi quyết toán thuế thay cho cá nhân.
Tổ chức chi trả thu nhập có thể quyết toán thay cho cả ngàn cá nhân trên cơ sở lập danh sách cá nhân phải nộp thêm, cá nhân được hoàn thuế, cân đối lại và làm việc với cơ quan thuế. Sau khi quyết toán xong, tổ chức chi trả thu nhập sẽ thu của người phải nộp thêm và trả lại tiền thuế cho người được hoàn.
Tôi cũng xin lưu ý, tổ chức chi trả thu nhập chỉ quyết toán thay phần thu nhập mà họ chi trả, còn phần thu nhập vãng lai khác thì cá nhân phải tự quyết toán, trừ trường hợp thu nhập vãng lai dưới 120 triệu đồng/năm đã bị khấu trừ 10% và cá nhân không có nhu cầu quyết toán đối với khoản này.
Như vậy, số lượng người phải trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế không phải là ít, đặc biệt là những người nộp thừa (số tiền tạm khấu trừ lớn hơn số thuế phải nộp)?
Với trường hợp này, cá nhân nếu không có nhu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ cho kỳ kê khai thuế tiếp theo thì không phải quyết toán. Ngược lại, nếu có nhu cầu thì không nhất thiết phải quyết toán trước 31/3 hằng năm, mà bất cứ lúc nào cá nhân cũng có thể đi quyết toán, quyết toán lúc nào được hoàn thuế lúc đó và không bị phạt do kê khai quyết toán muộn. Vì vậy, đối với cá nhân nộp thừa, không nên đi quyết toán vào thời kỳ cao điểm để tránh ùn tắc, mất thời gian chờ đợi.
Ngoài thu nhập thường xuyên, cá nhân có thu nhập vãng lai không quá 120 triệu đồng/năm đã khấu trừ 10% vì sao lại không cần phải quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai nếu không có nhu cầu, thưa ông?
Thu nhập vãng lai không tính giảm trừ gia cảnh, cá nhân có thu nhập đến 120 triệu đồng/năm đã khấu trừ 10%, tức là họ đã nộp thuế 10%. Theo quy định, sau khi giảm trừ gia cảnh, cá nhân có thu nhập thường xuyên đến 60 triệu đồng/năm phải nộp thuế 5%, thu nhập từ trên 60 triệu đồng đến 120 triệu đồng phải nộp thuế 10%. Như vậy, so với thu nhập thường xuyên, thì thu nhập vãng lai đã phải nộp thuế cao hơn, nên nếu cá nhân không có nhu cầu thì không phải quyết toán đối với phần thu nhập này.
Cá nhân nên cân nhắc xem có nên quyết toán đối với phần thu nhập vãng lai hay không. Trong trường hợp thu nhập vãng lai cao, nhưng phải dưới 120 triệu đồng/năm và thu nhập thường xuyên cao thì không nên quyết toán thu nhập vãng lai sau khi đã khấu trừ 10%. Ngược lại, thu nhập vãng lai và thu nhập thường xuyên thấp thì nên đi quyết toán vì được hưởng lợi do phải nộp thuế với thuế suất thấp hơn 10%. Còn đối với cá nhân có thu nhập vãng lai trên 120 triệu đồng/năm, bắt buộc phải đi quyết toán thuế mặc dù đã bị khấu trừ 10%.
Đã khấu trừ thu nhập vãng lai 10% rồi, vì sao lại vẫn bắt buộc người có thu nhập vãng lai trên 120 triệu đồng/năm phải quyết toán thuế?
Có rất nhiều người có thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Với thu nhập này thì thuế suất bình quân khoảng 30%, nhưng họ mới khấu trừ 10%, nên buộc phải quyết toán vì họ nộp chưa đủ, ngân sách nhà nước thất thu.
Ví dụ, cá nhân có thu nhập thường xuyên một tỷ đồng và thu nhập vãng lai một tỷ đồng, như vậy tổng thu nhập là 2 tỷ đồng thì họ phải nộp thuế ít nhất là 600 triệu đồng (thuế suất 30%), trong khi họ mới nộp 400 triệu đồng (300 triệu đồng từ thu nhập thường xuyên và 100 triệu đồng từ thu nhập vãng lai), còn thiếu ít nhất 200 triệu đồng nữa, nên buộc phải tự đi quyết toán để nộp số thuế chưa nộp đủ.
Trên thực tế, khi chi trả thu nhập vãng lai với số tiền từ 2 triệu đồng/lần trở lên, tổ chức chi trả ngay lập tức khấu trừ 10%, không cần biết cá nhân có thuộc diện phải nộp thuế hay không. Trong trường hợp này, cá nhân phải làm gì để không bị khấu trừ?
Để không bị khấu trừ thuế, khi nhận tiền nhuận bút viết báo, tiền tham gia hội thảo, tiền giảng dạy, tiền tham gia dự án… với số tiền trên 2 triệu đồng, thậm chí là 10-15 triệu đồng, cá nhân viết cam đoan là tổng thu nhập trong năm chưa đến ngưỡng phải nộp thuế TNCN và yêu cầu cơ quan chi trả thu nhập không được khấu trừ 10% thuế. Tất nhiên, cá nhân phải chịu trách nhiệm với bản cam đoan, nếu gian lận sẽ bị xử phạt vi phạm về thuế.
Theo baodautu.vn