• English

Tin thị trường

Khó kiểm soát vốn vay theo kế hoạch

(TBTCVN) - Dù đã qua nhiều vòng xem xét, lấy ý kiến từ Kỳ họp thứ 3, nhưng đến nay, trước thời điểm dự kiến thông qua, dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vẫn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu cũng như chuyên gia nghiên cứu, đa số ý kiến tập trung vào mô hình cơ quan quản lý nợ công.
  
Nhiều tồn tại, hạn chế trong mô hình quản lý nợ công hiện tại

Theo luật hiện hành, nội dung quản lý nhà nước về nợ công giao trách nhiệm QLNC cho 3 cơ quan. Cụ thể: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về vốn ODA, vay ưu đãi; xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ từ nguồn vốn vay ODA; tổ chức vận động, điều phối nguồn, vay ưu đãi; đàm phán, ký kết điều ước quốc tế khung; thẩm định nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, vốn đối ứng và khả năng cân đối; tổng hợp, phân bổ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi trung hạn 5 năm và hàng năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì chuẩn bị nội dung đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế và là đại diện chính thức của bên vay tại các tổ chức này. 

Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; chủ trì huy động toàn bộ vốn vay trong nước; đàm phán, ký kết các hiệp định vay cụ thể vốn ngoài nước, trừ các hiệp định vay với các tổ chức tài chính quốc tế do NHNN chủ trì đàm phán; giải ngân, kế toán, quyết toán; và cân đối nguồn vốn  trả nợ. 

Thời gian qua, mô hình này cũng đã có những mặt tích cực là đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, cần tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Cùng với việc giữ ổn định về tổ chức bộ máy, việc phân công này đã tạo điều kiện cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ được giao, kế thừa kinh nghiệm trong vận động, đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ, khai thác những mối quan hệ truyền thống vốn có trước đây với một số tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (UBTCNS), quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là việc giữ nguyên mô hình tổ chức 3 đầu mối như hiện hành là chưa thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng về đổi mới QLNC; chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tinh giản đầu mối.

Trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, việc vay vốn ODA ngày càng hạn hẹp, đặt ra yêu cầu phải tiếp cận các nguồn vốn vay thương mại theo điều kiện thị trường. Song, do phân tán đầu mối trong huy động, QLNC nên dẫn đến không thể kịp thời, linh hoạt và chủ động trong lựa chọn các phương án vay vốn, cân đối, bố trí, sử dụng nguồn vốn vay. 

Kế hoạch đầu tư công trung hạn có nguy cơ bị vượt trần 

Cũng theo UBTCNS, việc phân công 3 cơ quan cùng đảm nhận trách nhiệm vay vốn theo từng công đoạn, thiếu tính kết nối tổng thể dẫn đến không thể phản ứng có hiệu quả với biến động rất nhanh của thị trường vốn; trong khi công tác phối hợp đối chiếu, kiểm soát, đánh giá tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ thiếu chặt chẽ, dẫn đến khó có thể kiểm soát, đảm bảo QLNC an toàn trong tương lai. 

Đồng thời, quy định như hiện hành cũng dẫn đến bất cập trong cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển trung hạn, khó có thể kiểm soát được hạn mức vay theo kế hoạch 5 năm, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và các chỉ tiêu an toàn nợ công, không thống nhất và khó khăn trong việc tổng hợp số liệu về nợ công, ảnh hưởng đến quá trình điều hành QLNC và khó khăn trong việc xác định trách nhiệm giải trình của các cơ quan. 

Thực tế, nhiều năm qua, việc giải ngân vốn vay đã thoát ly dự toán NSNN được phê duyệt, dẫn đến khi quyết toán, giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi NSNN so với số đã được Quốc hội quyết định. Số giải ngân thực tế vốn vay ODA, vay ưu đãi so với số dự toán các năm 2011 đến 2015 vượt lần lượt là: 1,5 lần, 2,3 lần, 2,8 lần, 3,3 lần và 1,6 lần. Đặc biệt, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ tương ứng khoảng 62 - 65% số vốn vay đã ký kết.

Vì lẽ đó, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận gần đây tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu quy định thống nhất một cơ quan làm đầu mối quản lý vay nợ trong nước và nước ngoài, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 07/NQ-TW về khắc phục tình trạng quản lý nợ công còn phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan; và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một số ý kiến băn khoăn, nếu quy định thống nhất một cơ quan như vậy sẽ dẫn đến thay đổi nhiệm vụ này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN tại Luật Đầu tư công và Luật NHNN. Tuy nhiên, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc áp dụng luật sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, “các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”, nên không phải sửa lại Luật Đầu tư công và Luật NHNN.
H.Y/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank