• English

Tin thị trường

Kho bạc Nhà nước: Giảm thiểu chi phí giao dịch

(TBTCVN) - Để hiện đại hóa, tiến tới kho bạc điện tử, từ nhiều năm, hệ thống kho bạc Nhà nước (KBNN) đã không ngừng nỗ lực cải cách toàn diện về cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ trong tất cả lĩnh vực.

Trong đó hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ gắn với cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Cải cách kiểm soát chi, rút ngắn thời gian giao dịch

Tại buổi sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm của KBNN tổ chức ngày 7/7/2017, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, công tác cải cách hành chính luôn được KBNN quan tâm chú trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách giao dịch, giảm thiểu chi phí về thời gian và vật chất trong hệ thống KBNN.

Chính vì thế, KBNN đã chủ động từng bước cải cách công tác kiểm soát chi bằng việc áp dụng hình thức giao dịch “một cửa” với cán bộ kiểm soát chi trực tiếp hướng dẫn, giao dịch, trả kết quả với chủ đầu tư; từ đó, giảm bớt khâu trung gian giữa cán bộ kiểm soát chi và chủ đầu tư (đơn vị sử dụng ngân sách), rút ngắn thời gian thanh toán, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đơn giản hoá thủ tục.

Trong chi thường xuyên, đối với các khoản chi hoặc gói thầu mua sắm có giá trị dưới 20 triệu đồng, thay vì phải thực hiện nhiều thao tác như trước đây, KBNN đã cải cách theo hướng, đơn vị sử dụng ngân sách chỉ cần lập và gửi KBNN bảng kê chứng từ thanh toán, không phải gửi hợp đồng, hóa đơn, chứng từ có liên quan. Tương tự, trong công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN đã thực hiện nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với từng lần thanh toán nên đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi, qua đó đáp ứng nhanh hơn, kịp thời hơn yêu cầu thanh toán của các chủ đầu tư; ban quản lý dự án.

Đặc biệt, KBNN đang thực hiện thí điểm đề án “Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN” tại 2 tỉnh Phú Thọ và Thừa Thiên - Huế. Theo đó, công tác kiểm soát chi ngân sách đã được tổ chức lại theo hướng tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống để khắc phục các tồn tại, hạn chế của mô hình kiểm soát chi hiện nay

Theo ông Vinh, mặc dù mới thí điểm nhưng đề án bước đầu đã mang đến sự hài lòng cho khách hàng giao dịch. Hiện KBNN vẫn đang hoàn thiện các bước để tiến tới triển khai diện rộng. Việc thống nhất đầu mới kiểm soát chi được kỳ vọng sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức cho khách hàng, vì nếu như đơn vị sử dụng ngân sách hoặc chủ đầu tư có cả 2 nội dung là chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ chỉ còn phải đến một bộ phận kiểm soát chi để hoàn thiện tất cả các hồ sơ, thủ tục thay vì phải đến 2 bộ phận như trước đây. Đồng thời, với quy trình làm việc mới này, một cán bộ công chức Kho bạc sẽ cùng lúc làm được nhiều việc, tránh phân tán, dàn trải trong công việc.

Hiện tại, KBNN đã thực hiện thí điểm dịch vụ công điện tử tại 5 địa phương: Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đây chính là một bước đi quan trọng góp phần vào việc cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, bởi dịch vụ công đã tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại cho các đơn vị, giảm chi phí hoạt động. Đặc biệt, sử dụng dịch vụ công điện tử đã chống được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị (được xem như là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiếm đoạt tiền vốn NSNN).

Mở rộng thu ngân sách qua nhiều “kênh”

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm, để tập trung nhanh, kịp thời, chính xác các khoản thu vào NSNN, trong nhiều năm qua, công tác phối hợp thu giữa KBNN với cơ quan tài chính, thuế, hải quan tiếp tục được tăng cường và triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả. Đặc biệt, công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục được đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc với các hình thức thu tại quầy giao dịch của NHTM, thu qua các kênh giao dịch điện tử Internet, ATM, thu qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tại một số đơn vị KBNN.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, KBNN đã mở rộng thêm việc thu NSNN qua POS lắp đặt tại trụ sở KBNN với Vietinbank. Đồng thời, trình Bộ Tài chính phê duyệt định hướng mở tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN tại các NHTM. Theo đó, trước mắt mỗi đơn vị KBNN sẽ mở 5 tài khoản chuyên thu tại 5 NHTM Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MB). Thời gian tới KBNN sẽ thực hiện mở rộng thêm tài khoản chuyên thu và phối hợp thu đối với các NHTM có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của NHNN nhằm đảm bảo an toàn tiền của Nhà nước. Qua đó, góp phần đáp ứng nhanh chóng, kịp thời việc tập trung thu, thanh toán chi trả của NSNN, hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quản lý ngân quỹ nhà nước, thực hiện mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực thu nộp NSNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với NSNN.

6 tháng cuối năm, toàn hệ thống KBNN đặt ra mục tiêu, kế hoạch để triển khai hiệu quả mô hình một cửa, một giao dịch viên cũng như hoàn thành triển khai trên diện rộng trong phạm vi toàn quốc Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN. Từng bước mở rộng trên phạm vi toàn quốc 3 dịch vụ công trực tuyến KBNN ở mức 3 theo đúng lộ trình của Chính phủ trong năm 2017 - 2018...

Vân Hà/ Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank