• English

Tin thị trường

Kho bạc hướng tới thống nhất đầu mối kiểm soát chi diện rộng

(TBTCVN) - Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa có kết quả đánh giá bước đầu công tác triển khai thí điểm Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát chi (KSC) ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống KBNN. 

Theo đó, việc thí điểm tại 2 KBNN Phú Thọ và Thừa Thiên Huế đã mang lại nhiều kết quả tích cực, và KBNN đang có những bước chuẩn bị tiếp theo để tiến tới triển khai diện rộng trong toàn quốc dự kiến vào đầu tháng 10 tới.

Khắc phục khó khăn ngay từ ban đầu

Ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN cho biết, thực hiện thống nhất đầu mối KSC, công tác KSC ngân sách sẽ được tổ chức lại theo hướng tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống để khắc phục các tồn tại, hạn chế của mô hình tổ chức công tác KSC hiện nay. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có việc mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng), tiến tới rút ngắn thời gian KSC NSNN khi triển khai xong dịch vụ công trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN.

Nắm bắt được các khó khăn khi chuyển đổi nghiệp vụ, nên khi bắt đầu thực hiện đề án, đặc biệt là ngay từ việc triển khai thí điểm tại 2 KBNN Phú Thọ và Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo KBNN đã quyết liệt trong công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: Thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng Giám đốc làm Trưởng ban. Đồng thời, ban hành Quyết định số 1736/QĐ- KBNN về việc triển khai thí điểm Đề án Thống nhất đầu mối KSC kèm theo quy trình nghiệp vụ thí điểm, cũng như quyết định tạm thời về nhiệm vụ của phòng/bộ phận kế toán nhà nước và phòng/bộ phận KSC tại KBNN Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế và các KBNN huyện trực thuộc.

Ngoài ra, KBNN đã hoàn thiện hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) để đáp ứng mô hình thống nhất đầu mối và tổ chức phương án vận hành hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo thông suốt. Bên cạnh đó, KBNN còn cử cán bộ kỹ thuật trực hỗ trợ các đơn vị thường xuyên, kịp thời trong quá trình thực hiện thí điểm.

Song song với đó, KBNN cũng ban hành Công văn số 1492/KBNN - KSC về việc triển khai thí điểm đề án, theo đó, tại KBNN các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, trong đó, giám đốc KBNN tỉnh là trưởng ban và cử công chức làm đầu mối liên lạc, phối hợp với Tổ triển khai Đề án của KBNN để tiếp nhận thông tin và triển khai các công việc tại đơn vị. 

Một nhiệm vụ được KBNN hết sức chú trọng đó là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ KSC (chi đầu tư và chi thường xuyên), sử dụng mục lục ngân sách, hệ thống các tài khoản, quy trình nghiệp vụ và đào tạo sử dụng, khai thác hệ thống TABMIS cho các cán bộ KSC của 2 đơn vị KBNN Phú Thọ và Thừa Thiên - Huế.

Khắc phục tồn tại, hướng đến triển khai diện rộng

Do được chuẩn bị kỹ lưỡng nên việc triển khai thí điểm tại 2 KBNN Phú Thọ và Thừa Thiên - Huế đã mang lại nhiều kết quả tốt và nhận được nhiều sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Đặc biệt, công tác kiểm soát, hạch toán kế toán, chuyển tiền thanh toán trong ngày diễn ra bình thường. KBNN Phú Thọ và KBNN Thừa Thiên - Huế đã bố trí cán bộ làm việc theo nhóm, xen kẽ công chức làm kế toán vào làm cùng công chức KSC cũ để cùng nhau giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ cho khách hàng trong quá trình giải quyết công việc. Theo đó, việc phối hợp giữa KSC và kế toán đảm bảo nhịp nhàng, đúng theo quy trình, không có vướng mắc lớn. Việc đối chiếu số liệu, phân loại, sắp xếp chứng từ đảm bảo chính xác, hoàn thành trong ngày.

Tuy nhiên, do quy trình nghiệp vụ thay đổi nên công chức làm nhiệm vụ KSC cũng còn nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi, nên vẫn mất nhiều thời gian để thực hiện.

Hơn nữa, do thực hiện quy trình tạm thời trong quá trình thực hiện thí điểm đề án nên đã phát sinh một số vướng mắc như: Quy trình luân chuyển chứng từ; thời điểm giao nhận chứng từ; việc lập phiếu giao nhận chứng từ còn chậm... Tuy nhiên, các phát sinh này đã được các vụ, cục thuộc KBNN ghi nhận, đề xuất các phương án giải quyết và hoàn thiện quy trình chính thức triển khai đề án.

Từ các bài học kinh nghiệm rút ra qua việc triển khai thí điểm, KBNN đang đề ra kế hoạch để thực hiện thành công Đề án Thống nhất đầu mối KSC trên phạm vi cả nước. Theo đó, KBNN tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối KSC, trong đó xây dựng ứng dụng bàn giao chứng từ điện tử giữa phòng/bộ phận KSC và phòng/bộ phận kế toán để thuận lợi, đơn giản hơn nữa trong việc giao nhận chứng từ. Đồng thời đưa ra giải pháp kỹ thuật để đảm bảo hiệu năng hoạt động của hệ thống TABMIS, nhất là vào dịp cuối năm có số lượng giao dịch lớn, tăng đột biến.

Cùng với đó, KBNN trình Bộ Tài chính sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Phòng KSC, Phòng Kế toán nhà nước, cơ cấu tổ chức của KBNN cấp tỉnh, huyện để triển khai đề án. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được Bộ Tài chính phê duyệt, KBNN sẽ ban hành công văn hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ.

Đặc biệt trong thời gian này, KBNN đang tổ chức đào tạo Keyuser (đào tạo trực tiếp cho một số công chức tại KBNN tỉnh, thành phố để làm nòng cốt, sau này sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ tại đơn vị khi triển khai diện rộng). Các đối tượng được đào tạo đều là các công chức thành thạo hệ thống TABMIS và giỏi nghiệp vụ.

Theo Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà, Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN trong năm 2107. Để làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi công chức hệ thống KBNN tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Hà đã đề nghị lãnh đạo KBNN các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, bám sát tình hình thực tế và động viên cán bộ công chức, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là vào những tháng cuối năm nhằm đảm bảo thực hiện đề án thành công, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ mà KBNN được giao. 

Theo Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà, Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN trong năm 2107. Để làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi công chức hệ thống KBNN tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do đó, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Hà đã đề nghị lãnh đạo KBNN các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, bám sát tình hình thực tế và động viên cán bộ công chức, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là vào những tháng cuối năm nhằm đảm bảo thực hiện đề án thành công, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ mà KBNN được giao. 
Vân Hà/ Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank