• English

Tin thị trường

Khi cho vay tuần hoàn trở lại

Trong thời gian tới, khi việc cho vay tuần hoàn chính thức được mở lại, các DN sẽ có chủ động điều tiết dòng tiền hợp lý nhất và điều chỉnh khoản vay tùy theo sự biến động của lãi suất trên thị trường.

Bên cho vay và đi vay đang đón nhận tích cực về việc hoạt động cho vay tuần hoàn tiếp tục được nối lại sau một thời gian tạm ngưng. Trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN sẽ có hiệu lực trong khoảng hai tuần tới, có một điểm rất quan trọng là không cấm các NHTM cho vay tuần hoàn. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhiều cho DN.

Một thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần In số 7 (TP.HCM) cho biết, cuối năm ngoái các NHTM phải thực hiện yêu cầu của NHNN là chấn chỉnh lại hoạt động cho vay tuần hoàn do lo ngại có thể DN lợi dụng hình thức này để đảo nợ, khiến không ít công ty gặp khó khăn trong hoạt động thanh toán nợ vay ngân hàng. 

Thậm chí, đối tác và khách hàng không giữ đúng cam kết trong việc thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ cũng làm cho DN gặp khó khăn tạm thời về dòng tiền. Từ đó kéo theo khó khăn trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, dù rằng DN trong một thời gian dài có kết quả kinh doanh tốt và dòng tiền ổn định. Nhưng nay, Thông tư 39 cho phép các NHTM thực hiện cho vay tuần hoàn trở lại đã giúp tháo gánh nặng trả nợ vay ngắn hạn. Theo đó, sẽ giúp DN có thời gian ổn định tài chính, thu hồi nợ để giảm bớt áp lực tài chính nhất thời.Theo vị lãnh đạo DN này, chỉ cần chu kỳ sản xuất kinh doanh của đơn vị có sự thay đổi đã khiến cho DN không tạo ra được dòng tiền như kế hoạch ban đầu để trả nợ vay ngân hàng. Ví dụ, sự thay đổi xấu trong quá trình mua vật tư sản xuất sản phẩm, bán hàng, thu tiền hàng… Từ đó làm cho dòng tiền của DN bị thay đổi không thuận lợi.

Việc mở lại cho vay theo phương thức tuần hoàn, được ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho rằng tạo tâm lý “hưng phấn” không chỉ đối với DN, mà còn cho chính các NHTM. Bởi các NHTM đã được tháo gỡ nhiều vấn đề liên quan đến các cam kết cấp tín dụng theo hạn mức. Theo ông Tâm, trước đó có quan điểm lo ngại rằng các NHTM cho vay tuần hoàn là một cách làm khác của việc cho vay đảo nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo quy định hiện nay, các NHTM không được phép cho vay mới trả nợ cũ, hay còn gọi là đảo nợ, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh đối với những dự án trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại ngân hàng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài. Riêng trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện phục vụ hoạt động kinh doanh, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ và là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trong khi đó, cho vay tuần hoàn không phải là một phương thức cho vay từng lần, hay cho vay hạn mức. Bởi việc cấp tín dụng tuần hoàn đối với những công ty tốt sẽ tiết giảm được thời gian, chi phí hồ sơ cho cả bên vay và đi vay vốn. Đặc biệt, tính linh hoạt của khoản vay theo hình thức tuần hoàn đã tạo ra chi phí lãi vay thấp hơn cho những DN làm ăn tốt.

Việc mở lại cho vay tuần hoàn có ý nghĩa vô cùng thiết thực đối với DN đi vay. Được biết, trong thời gian qua, hầu như NHTM nào cũng có sản phẩm cho vay tái tài trợ. Với phương thức cho vay này, thì người vay sẽ có quyền lợi được vay với lãi suất thấp hơn và nhận nhiều ưu đãi hơn khi hợp đồng vay vốn cũ đã kéo dài được vài năm.

Trong thời gian tới, khi việc cho vay tuần hoàn chính thức được mở lại, các DN sẽ có chủ động điều tiết dòng tiền hợp lý nhất và điều chỉnh khoản vay tùy theo sự biến động của lãi suất trên thị trường. Đồng thời, đối với NHTM, việc cho vay tuần hoàn sẽ giúp phát triển thêm nhiều dịch vụ tài chính.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank