• English

Tin thị trường

Kết nối nhà đầu tư với ngân hàng

Để tín dụng tham gia vào các chương trình đột phá của TP.HCM cần phải minh bạch hơn nữa năng lực tài chính của các chủ đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng

Ngày 24/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong sẽ trực tiếp chủ trì Hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng thông qua 7 chương trình đột phá của thành phố, các TCTD kỳ vọng cơ hội mở rộng thị trường.

Trong 7 chương trình đột phá được Đại hội Đảng bộ thành phố thông qua nhiệm kỳ 2015-2020 gồm có: chất lượng nguồn lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm ô nhiễm môi trường; chỉnh trang và phát triển đô thị.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tín dụng ngân hàng trong giai đoạn vừa qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng xã hội. Trong đó, hệ thống ngân hàng đã thực hiện cơ chế trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tập trung vào các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế.

Theo đó tổng dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND của các TCTD trên địa bàn vào 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đến nay đạt 150.000 tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ dư nợ bao gồm cả cho vay trung dài hạn và cho vay ngoại tệ thì tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên này chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn. Cơ chế trần lãi suất của ngành Ngân hàng đã giúp tạo cơ hội có vốn giá rẻ cho DN phát triển sản xuất. Đặc biệt mới đây Thống đốc NHNN khuyến nghị các TCTD giảm lãi vay các lĩnh vực ưu tiên xuống 6,5% so với 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn bằng VND.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tỷ trọng cho vay trung dài hạn của các TCTD từ mức 45% trên tổng dư nợ 5 năm trước đến cuối tháng 7/2017 đã lên đến 53%. Quan điểm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ để tiết giảm chi phí đầu vào giảm lãi suất cho vay có lẽ là vấn đề sống còn đối với các NHTM. Theo đó, các NHTM từ chỗ tích cực mở rộng mạng lưới nay đã đi đầu trong việc sử dụng công nghệ thông tin để giao dịch với khách hàng từ tiền gửi, tiền vay, thanh toán… là một cách trực tiếp tiết giảm chi phí vận hành bộ máy.

Theo các lãnh đạo NHTM, việc lãnh đạo TP.HCM vạch ra 7 chương trình trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư toàn xã hội và các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ là cơ hội cho các ngân hàng nhìn vào đó để thiết kế sản phẩm tài chính phù hợp trong từng giai đoạn kinh doanh.

Song, ông Tô Duy Lâm cho rằng, với bản chất nguồn vốn tín dụng phải gắn liền với dự án hiệu quả và đảm bảo an toàn hệ thống, đòi hỏi các chủ đầu tư dự án cũng như hệ thống cơ chế chính sách của TP.HCM phải đáp ứng các nguyên tắc của tín dụng để các dự án sử dụng vốn ngân hàng đi vào hoạt động khả thi; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế với sự phối hợp tốt của các sở, ngành liên quan.

Một trong những điểm quan trọng nhất là việc thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội vào các dự án đột phá của thành phố, mỗi dự án cần có thông tin cụ thể trong từng lĩnh vực và cả chủ đầu tư. Từ đó các NHTM nắm rõ được các dự án để chủ động tiếp cận, đánh giá dự án cho vay vốn và cung ứng dịch vụ tài chính cho dự án. Khi dự án minh bạch thì việc tiếp cận vốn tín dụng cũng trở nên thuận lợi hơn do NHTM có cơ sở để thẩm định và quyết định cho vay.

Thực tế, quá trình tiếp cận dự án, chương trình ở các địa phương lâu nay các NHTM rất thiếu thông tin và không loại trừ có yếu tố chỉ định cho vay, dẫn đến ngân hàng không có cơ sở đánh giá về tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của chủ dự án.

Theo các ngân hàng, để mở đường cho tín dụng tham gia vào các chương trình đột phá của TP.HCM cần phải minh bạch hơn nữa năng lực tài chính của các chủ đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện các dự án hạ tầng của thành phố. Trước mắt các sở, ngành phải giải quyết tốt vấn đề quy hoạch đô thị để nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng tự tin hơn khi đầu tư vào các dự án quan trọng của thành phố.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank