• English

Tin thị trường

Kênh truyền dẫn chính sách vào cuộc sống

NHNN ở địa phương triển khai thực hiện các cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của Chính phủ và NHTW, như một kênh truyền dẫn chính sách vào cuộc sống

Chỉ thị số 01/CT-NHNN với hệ thống giải pháp về điều hành tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trong năm 2018 tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu kép: ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và định hướng của NHNN Việt Nam, nổi lên một điểm rất đáng chú ý là vai trò của các NHNN tỉnh, thành phố phải gắn chặt với các TCTD trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương.

Thực tiễn cũng chứng minh khi đảm bảo tính tuân thủ và kỷ luật thị trường thì chính sách mới có hiệu quả. Nhất là Hà Nội, TP.HCM hai đô thị lớn có thị trường tiền tệ sôi động nhất nước. Một ngân hàng thiếu hụt thanh khoản tặng thêm lãi suất cho người gửi tiền, lập tức ngân hàng khác làm theo để giữ chân khách hàng. Một DN chưa có ngoại tệ để thanh toán, thị trường tự do lập tức đẩy giá bán USD tăng lên tạo khan hiếm giả tạo, đùn đẩy giá vàng tăng lên làm cho giá cả hàng hóa trên thị trường tăng theo. Lãi suất, tỷ giá và giá vàng còn nhạy cảm ở những tỉnh có đường biên mỗi khi có vấn đề trong cung cầu hàng hóa trong nước và nước ngoài.Có thể nói việc tổ chức triển khai Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là một điểm cụ thể nhất trong năm 2018. Theo đó đẩy nhanh xử lý nợ xấu và rã băng các tài sản đảm bảo nợ vay để đưa vốn lưu thông trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay và thực hiện các chương trình tín dụng quốc gia và địa phương. Khi nợ xấu được giải tỏa thì các TCTD không còn lo chạy vạy huy động chỗ này đắp cho chỗ kia, lãi suất huy động sẽ ổn định trên thị trường, mới tính đến cơ cấu hệ thống kinh doanh.

Không ai có thể khẳng định được lãi suất cho vay sẽ giảm nếu giá cả tăng cao đẩy lạm phát đi lên, yếu tố tâm lý trên thị trường Việt Nam có một phần rất quan trọng trong triển khai chính sách. Song để cơ chế đi vào thị trường phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức triển khai ở các địa phương. Hay nói cách khác yếu tố con người tổ chức ở cơ sở là nhân tố rất quan trọng, điều này Chính phủ kiến tạo đang bắt đúng mạch khi tập trung cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh hiệu quả.

Trong hệ thống ngân hàng, ngoài các cơ chế chính sách của NHTW thì tại các địa phương các TCTD còn phải thực hiện các cơ chế tín dụng của chính quyền các tỉnh, thành phố.

Chẳng hạn, TP.HCM từ năm 2018 bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế tài chính đặc thù. Theo đó lãnh đạo chính quyền đang xây dựng thành phố thông minh, đòi hỏi rất nhiều các nguồn lực tài chính và các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Trong quá trình thực tiễn phát sinh, đòi hỏi vai trò của NHNN địa phương phải có những bổ sung cho phù hợp qua các kênh trao đổi với NHTW. Thế nhưng, những vận dụng sáng tạo ở địa phương phải phù hợp với chính sách quốc gia và hạn chế các can thiệp quá sâu của nhà nước vào thị trường mà phải để thị trường vận hành theo quy luật của nó.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, từ thực tế giai đoạn khó khăn kinh tế vĩ mô, công tác phối hợp của ngành ngân hàng với thành phố đã trực tiếp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN trong tiếp cận vốn vay. Trong đó chương trình kết nối ngân hàng – DN đã trở thành mô hình điểm, phản ánh thực tiễn sinh động và thiết thực trong đóng góp vào kinh tế địa phương.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay của TP.HCM, cần có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các TCTD cung ứng các dịch vụ thanh toán, các đơn vị trung gian thanh toán (fintech)… Đáp ứng dịch vụ thanh toán hiện đại cho một đô thị thông minh đang hình thành, ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng cần cập nhật thông tin và có những cảnh báo kịp thời về những rủi ro an toàn thanh toán điện tử, phải có sự phối hợp chia sẻ thông tin.

“Rộng hơn, NHNN ở địa phương triển khai thực hiện các cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của Chính phủ và NHTW, như một kênh truyền dẫn chính sách vào cuộc sống” – ông Tô Duy Lâm nói.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank