Chất lượng tốt, chảy đúng nơi
Tăng trưởng GDP đạt 6,41% nhưng không quá phụ thuộc vào tín dụng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chia sẻ như vậy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua khi sau 9 tháng, tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,78%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2016…
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này thừa nhận đúng là hiện tại áp lực tăng trưởng GDP 6,7% không còn quá lớn, vì tới giờ GDP đã ở mức 6,41% nên Chính phủ có thể thấy việc tăng GDP 9 tháng qua không dựa quá nhiều vào tín dụng. Song vị này cũng cho rằng, tín dụng vẫn luôn là đòn bẩy quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng GDP. Chuyên gia này cũng chia sẻ, không cần đẩy tín dụng ra nhiều nhưng cốt yếu dòng tiền chảy tích cực vào đúng địa chỉ thì tăng trưởng GDP không gây ra bất ổn kinh tế. Ngược lại nếu đẩy tín dụng ào ạt, không đưa vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chắc chắn sẽ đẩy lạm phát lên.
Đây cũng là nhận định được Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đưa ra trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam quý III. Theo SSI, tăng trưởng tín dụng hiện còn cách khá xa mục tiêu đặt ra. Khi chỉ còn 3 tháng là hết năm, vì vậy đẩy nhanh tín dụng cũng sẽ không kịp tạo ra tăng trưởng cho năm 2017. Do đó quan điểm được cơ quan này đưa ra là tín dụng không tăng tốc mới là tín hiệu tích cực cho ổn định lạm phát cũng như an toàn hệ thống NH.
Định hướng tín dụng tăng 21% nhưng không có nghĩa phải thực hiện bằng mọi giá. Quan trọng nhất trong thời điểm này là chất lượng dòng vốn, không để gia tăng nợ xấu. Cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch phù hợp với định hướng điều hành đặt ra, tín dụng đổ vào những lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh đồng thời với việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đối với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản thì đó mới là điều cần lưu tâm.
Nhận định việc kiểm soát tín dụng bất động sản ở thời điểm này tương đối tốt, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu vẫn mong muốn vốn rót vào lĩnh vực này cần sự điều phối hiệu quả hơn. Tín dụng bất động sản tính từ đầu năm đến giờ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ. Tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý, có những khoản cho vay đáng lý phải tính ở khu vực tín dụng cho bất động sản, như việc cho vay mua nhà ở của người dân, thì lại được đưa qua tín dụng tiêu dùng, khiến tỷ lệ cho vay bất động sản thấp.
Thêm nữa, trong cả hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán đều có thị trường sơ cấp và thứ cấp. “Cần lưu ý rằng ở thị trường thứ cấp, việc cho vay mua đi bán lại không giúp tăng trưởng GDP, mà nhiều khi còn làm tăng sự bất ổn khi đẩy quá nhiều tín dụng vào thị trường này sẽ khiến thị trường nóng lên. Từ đó gây ra bất ổn cho thị trường bất động sản, chứng khoán nói chung”, TS. Hiếu cho hay.
Ngân hàng lo huy động vốn cuối năm
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 20% nhưng định hướng của NHNN là duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, theo một chuyên gia chia sẻ, xét ở một khía cạnh khác, cũng phải để cho các NH tự điều chỉnh. Vị này lý giải, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng hơn 11% trong khi huy động dưới 10%. Những tháng cuối năm cầu tín dụng sẽ tăng mạnh, các NH sẽ phải nỗ lực tăng trưởng huy động để đáp ứng nhu cầu về tín dụng. Do đó NH sẽ gặp khó khăn khi không được tăng lãi suất huy động.
“Chúng ta có cơ sở để giảm lãi suất khi hiện tại lạm phát vẫn tương đối thấp. Đáng lý ra với lạm phát thấp, các NH có thể chào mời lãi suất huy động thấp. Nhưng trong tình hình hiện nay các kênh đầu tư khác như chứng khoán có xu hướng tăng, bất động sản vẫn nóng, thậm chí vàng có thể rục rịch tăng nếu có bất ổn chính trị thế giới, chưa kể đến lãi suất ngoại tệ... mà NH giảm lãi suất sẽ rất dễ khiến người dân rút tiền tiết kiệm chuyển sang các kênh đầu tư khác. Quan trọng là các thành phần kinh tế, trong đó có NH, và cả người dân có chịu điều chỉnh hành vi của mình hay không”- vị chuyên gia này chia sẻ.
Để giữ ổn định và tăng trưởng dài hạn, xét trong vấn đề tín dụng, lãnh đạo một NHTMCP nhận thấy: quan trọng là phân tích được dòng tiền của các DN và bảo đảm nguồn trả nợ chứ vấn đề không nằm ở việc vay thế chấp hay tín chấp. Song thực tế, việc xét duyệt tín dụng ở các NHTM Việt Nam vẫn tập trung nhiều vào tài sản đảm bảo, được xem là một thói quen cố hữu. “Thực ra cũng có lý vì nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, sức khoẻ tài chính DN còn mỏng manh, nên dù các DN cũng cố gắng trình bày phương án hoạt động nhưng NH chưa có đủ độ tin cậy.
Đó là hiện trạng của DN Việt Nam. Nhưng về phía NH cũng chưa mặn mà khi cho vay tín chấp. Vì tín chấp đòi hỏi NH một sự thẩm định chặt chẽ hơn nhiều từ kết quả làm ăn, quản lý dòng tiền để đảm bảo nguồn trả nợ...”, CEO này nêu quan điểm. Chưa kể việc bản thân DN cũng chưa chuẩn bị đủ để có thể vay tín chấp. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán độc lập, tình trạng sức khoẻ qua những chỉ số về thanh khoản, lợi nhuận, vốn chủ sở hữu, đòn bẩy tài chính phải hội đủ thì NH mới dám cho vay tín chấp. Ở một số quốc gia quan niệm cho vay tín chấp bảo đảm hơn nhiều cho vay thế chấp. Bởi những công ty được cho vay tín chấp là những công ty sức khoẻ tài chính tốt, đáp ứng được những điều kiện cần và đủ. Còn tại Việt Nam thì chưa đáp ứng được điều này.
Nói như vậy không có nghĩa không có điểm sáng để kỳ vọng thị trường tài chính của Việt Nam sẽ tiếp tục có sự khởi sắc. Khi theo phân tích của SSI: Năm nay tăng trưởng của ngành tài chính NH đến từ quá trình tái cấu trúc hệ thống nên tính ổn định của tăng trưởng sẽ bền vững hơn. Do đó ngành tài chính NH sẽ là chỗ dựa và động lực kéo tăng trưởng GDP các năm tiếp theo lên trên 7%. Điểm cần lưu ý là chính sách tiền tệ không thể sử dụng cho quá nhiều mục tiêu mà cần phải dàn trải nhiệm vụ kích thích tăng trưởng cho tất cả các cơ quan với tư duy “kích cung” thay cho “kích cầu”.