Hướng đầu tư tiềm năng
Ngay từ sau khi Chính phủ công bố gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) nhằm giúp bà con nông dân đổi mới công nghệ, đẩy mạnh hơn sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, NHNN đã vào cuộc rất nhanh, mời nhiều NHTM cùng bàn thảo về vấn đề này.
Hiệu quả của gói tín dụng NNCNC là đầu ra các sản phẩm
Chưa kể trước đó, một số NH đã chủ động đưa ra gói tín dụng hướng đến đối tượng khách hàng này, như Agribank đăng ký gói tín dụng nông nghiệp sạch với quy mô lên 50.000 tỷ đồng, LienVietPostbank dành 10.000 tỷ đồng cho vay phát triển cây mắc-ca… với lãi suất ưu đãi.Hầu hết các NH đều hưởng ứng chủ trương lớn này, ngay thời điểm đó, số vốn đăng ký tham gia cho vay gói tín dụng này còn lên trên 100.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5 – 1,5%/năm so với lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự nhập cuộc nhanh chóng của ngành NH trong thời gian qua. Ông cho biết, tới thời điểm này đã có trên 30 nghìn tỷ đồng được NH giải ngân cho các dự án nông nghiệp. Điều đáng mừng là các NHTM đã coi đây là một hướng đầu tư tiềm năng, chứ không chỉ là đầu tư an sinh xã hội. Tuy nhiên, các NH cũng rất thận trọng lựa chọn dự án hiệu quả để cho vay để đảm bảo hiệu quả.
Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, sự “khắt khe” của NH khiến các DN khó tiếp cận vốn vay. Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng khẳng định, NH luôn đứng cùng phía với DN bởi xét cho cùng, NH là một nhà đầu tư.
“Tôi xin nhấn mạnh là đối với các dự án, đặc biệt là dự án NNCNC, vấn đề tài sản đảm bảo không phải là trọng yếu. Lý do vì tài sản đảm bảo trong dự án NNCNC phổ biến là hệ thống nhà xưởng, nhà kính, đất nông nghiệp… đều là những tài sản rất khó khăn khi xử lý. Vì vậy, vấn đề NH quan tâm là làm sao giảm thiểu được tất cả các yếu tố rủi ro xung quanh một dự án từ khâu đầu tư cho đến khâu sản xuất, tiêu thụ, và cuối cùng khả năng thu hồi vốn dự án”, bà Nguyễn Thị Phượng khẳng định.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho rằng, không phải NH không muốn, mà không dễ gặp khách để cho vay. Bởi vì cho vay đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực NNCNC đòi hỏi sự am hiểu khá sâu sắc của cả của NH lẫn khách hàng. Ngay cả trên thị trường thế giới, các NH cũng chỉ thường tham gia vào các quỹ đầu tư hoặc là quỹ mạo hiểm.
Kén cả NH và khách hàng
Không chỉ NH kén khách, mà lĩnh vực này cũng rất kén NH. Lãnh đạo một NH chia sẻ, NH cũng có sản phẩm cho vay NNCNC nhưng cho vay không được nhiều vì “vắng khách”, mạng lưới hoạt động của NH chưa phù hợp đối với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực này. Một NH lớn chưa chắc đã cho vay NNCNC hiệu quả bằng NH quy mô nhỏ nhưng lại am hiểu, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Một chuyên gia nông nghiệp đồng tình cho rằng, khoa học, công nghệ là một loại hình đầu tư rất đặc biệt, mang lại nguồn lợi nhuận lớn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao. Do đó, cần có phương án lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển công nghệ, đồng thời tìm ra các phương pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất một cách có hiệu quả và phù hợp hơn. Bởi theo ông, vốn chỉ là một mắt xích trong chuỗi hỗ trợ phát triển NNCNC.
Hiện NHNN tiếp tục yêu cầu các NHTM ưu tiên dành đủ nguồn vốn cho vay nhưng phải đảm bảo đủ tiêu chí cấp tín dụng… Ngoài ra, Chính phủ cũng đang yêu cầu một số Bộ như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tư pháp giải quyết một số vướng mắc pháp lý về tài sản bảo đảm trên đất nông nghiệp để NH có cơ sở cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng…
Một vấn đề cũng rất quan trọng nữa để đảm bảo gói tín dụng NNCNC đạt hiệu quả là đầu ra các sản phẩm. Ứng dụng NNCNC đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe, đầu tư lớn, nên giá thành sản phẩm nông nghiệp sạch thường cao. Và đương nhiên, để giải quyết tốt nhất vấn đề đầu ra cho sản phẩm, vai trò của các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công Thương là rất quan trọng trong việc kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.