Dòng vốn này đã khẳng định giá trị chi phí thấp và tiếp tục được vận động trong năm 2018...
Ngày 27/12, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 18/2017/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Theo đó, các tổ chức trên được phép hoạt động ngoại hối sẽ tiếp tục được cho vay ngoại tệ trong năm 2018.
Việc cho vay này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu.
Cơ chế và các quy định liên quan đã được Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong những năm gần đây, như doanh nghiệp vay phải có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu để trả nợ; nguồn ngoại tệ vay phải bán lại cho tổ chức tín dụng theo hình thức giao ngay (chuyển đổi thành vốn VND để đưa vào sản xuất, kinh doanh)…
Đây là nguồn vốn có chi phí thấp, với lãi suất vay thường thấp hơn từ 2-4%/năm so với vay bằng VND, tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp giảm chi phí giá thành sản phẩm, qua đó tăng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu.
Với chênh lệch lãi suất đó, nguồn vốn này trở nên "rẻ" khi rủi ro tỷ giá USD/VND được hạn chế trong năm 2017 và triển vọng sang 2018. Chính sách ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đến nay đã bảo đảm giá trị chi phí thấp cho các doanh nghiệp vay vốn.
Trong năm 2017, dòng vốn này có quy mô khá lớn, đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kích thích xuất khẩu.
Cụ thể, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng ngoại tệ tính đến tháng 11/2017 đã tăng mạnh, ước tăng 12,3% so với cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 5,8%.
Tỷ trọng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 11/2017 đã chiếm khoảng 8,2% tổng tín dụng. Với quy mô tổng tín dụng cho nền kinh tế hiện ở khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, nguồn vốn có giá trị chi phí thấp từ tín dụng ngoại tệ tương ứng vào khoảng hơn 500 nghìn tỷ đồng.
Với Thông tư 18 vừa ban hành, quy mô đó sẽ được tiếp tục mở cơ chế cho vay trong năm 2018.
Theo Nhật Nam/ Vneconomy