• English

Tin thị trường

Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Asean tổ chức thành công tại Đà Nẵng

Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 đã được tổ chức thành công từ ngày 23 – 24/11/2017 tại Furama Resort, Đà Nẵng, Việt Nam. Hội nghị được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đăng cai tổ chức. 

Hội nghị Hội đồng năm nay vinh dự được đón tiếp Ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN  và gần 200 lãnh đạo, chuyên gia ngân hàng từ 10 quốc gia thành viên ASEAN và các chuyên gia đến từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG). Sự ủng hộ tham dự đông đảo thể hiện được sự cam kết của 10 hiệp hội ngân hàng các nước ASEAN.

Ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN, trong bài phát biểu tại Hội nghị đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của ASEAN nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Tới nay, ASEAN đã được nhìn nhận là một khu vực kinh tế tự cường. Với việc thành lập AEC vào tháng 12/2015, ASEAN hiện nay được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với GDP hiện tại là 2600 tỷ USD và là thị trường lớn thứ ba với tổng dân số 640 triệu người. ASEAN chiếm 7% thương mại toàn cầu vào năm 2016. Trong đó, gần ¼ giá trị thương mại của ASEAN là trong khu vực. Khu vực này cũng đã duy trì vị trí của mình trong số các điểm đến đầu tư được ưa chuộng, thu hút 5,5% dòng chảy FDI toàn cầu trong cùng năm 2016. Các mối liên kết đầu tư trong khu vực được duy trì mạnh mẽ với kế hoạch đầu tư trong khu vực ASEAN chiếm ¼ tổng lượng FDI.

Tổng Thư ký ASEAN đã nhấn mạnh rằng trong khuôn khổ Kế hoạch Tổng thể xây dựng ASEAN 2025, tiền đề hình thành AEC 2015 đã xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược 2016 – 2015, nêu bật ba trụ cột chính: hội nhập tài chính, tài chính bao trùm và ổn định tài chính. Theo đó, hội nhập tài chính được hướng dẫn bởi Khuôn khổ Hội nhập Ngân hàng ASEAN (ABIF) và đối với tài chính bao trùm là Khuôn khổ Tài chính Bao trùm ASEAN. Tài chính toàn diện số được coi là tiền đề quan trọng cho sự phát triển này. Nhận thấy được cả lợi ích và thách thức đến từ FinTech và số hóa, Văn bản hướng dẫn về Dịch vụ tài chính số đang được xây dựng và sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các Quốc gia Thành viên ASEAN để xây dựng và nâng cao hệ sinh thái tài chính số ở cấp quốc gia. Văn bản hướng dẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt và chỉ ra những yếu tố chính tạo ra môi trường pháp lý cho các dịch vụ tài chính số nhằm đáp ứng sự phát triển của công nghệ số và các đổi mới tài chính trong khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN cho biết trong 50 năm qua, ASEAN đã trở thành một thực thể kinh tế quan trọng trên thế giới với kỳ vọng mở rộng tiềm năng và đóng vai trò là một nhân tố quan trọng, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Những thành tựu và dấu mốc quan trọng đã đạt được là tiền đề để ASEAN quyết tâm hơn trong cam kết theo đuổi hội nhập kinh tế khu vực, trong đó hội nhập tài chính đóng vai trò then chốt trong quá trình này.  

Trong bài Phát biểu của Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi các ngân hàng ASEAN tiếp tục tăng cường cam kết, hợp tác nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính và hình thành sự kết nối hiệu quả với khối tư nhân trong khu vực. Nhìn tổng thể, ASEAN hứa hẹn trở thành một điểm sáng được tạo thành bởi tinh thần thống nhất và hợp tác bền vững. Mục tiêu này đã được thể hiện tại cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trong việc xây dựng một cộng đồng thông qua việc tăng cường kết nối về thương mại, đầu tư và nguồn nhân lực.    

Vai trò của ngành ngân hàng trong khu vực ASEAN càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi các ngân hàng sẽ vừa phải đảm nhiệm trọng trách làm cầu nối trong các nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới, vừa phải đảm bảo rằng lĩnh vực ngân hàng tiếp tục  hoạt động trên cơ sở lành mạnh, quản trị tốt và bền vững để đối phó với các rủi ro tiềm tàng.

Tại bài phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp tác chặt chẽ giữa các hiệp hội ngân hàng thành viên vì mục tiêu chung của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN. Điều này nhằm đáp ứng với bối cảnh ngành ngân hàng khu vực và thế giới đang trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 và xu thế hội nhập. Một chu kỳ tăng trưởng mới trong ngành ngân hàng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần giải quyết: làm thế nào để liên kết, sử dụng lợi thế của nhau… để đưa ra nhiều phương thức cung cấp dịch vụ mới, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; làm thế nào để đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao, phù hợp với kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và yêu cầu quản trị rủi ro trong môi trường kinh doanh nhiều biến động. 

Với mục đích đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và cách thức giải quyết các vấn đề đặt ra cho các ngân hàng trong khu vực, Hội nghị Hội đồng Hiệp hội năm nay sẽ là cơ hội tốt để kết nối các nhà lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng trong khu vực ASEAN, các nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Farid Rahman, đại diện cho Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN và Hiệp hội Ngân hàng Indonesia (Perbanas), đã ghi nhận những tiến bộ đạt được trong Khuôn khổ Hội nhập Ngân hàng ASEAN (ABIF), đó là việc đạt được thỏa thuận song phương giữa Indonesia và Malaysia, và các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Malaysia và Philippines về sáng kiến Ngân hàng đạt chuẩn khu vực ASEAN (QAB). Đây sẽ là một bước tiến thúc đẩy phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế trong khu vực dựa trên các nguyên tắc toàn diện, minh bạch và chia sẻ hợp tác vì lợi ích toàn thể công dân ASEAN. Trong bối cảnh này, cần lưu ý tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng năng lực ở tất cả các lĩnh vực để đáp ứng được với những thách thức đặt ra. 

Ông Gene Fang, Phó Giám đốc Định chế tài chính Moody’s đã có bài thuyết trình về triển vọng kinh tế vĩ mô và ngành ngân hàng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2018. Theo đó, sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường mới nổi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế phát triển đang được củng cố bởi đà tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019. Các chỉ số tín dụng quan trọng nhìn chung được đánh giá từ ổn định đến tích cực đối với các hệ thống ngân hàng ASEAN. Cụ thể, triển vọng ngân hàng Việt Nam được đánh giá tích cực trong bối cảnh tăng trưởng và đổi mới kinh tế lành mạnh. 

Tại Hội nghị Hội đồng, các thành viên đã thông qua các đề xuất của ba Ủy ban thường trực (Ủy ban về Hợp tác Tài chính, Đầu tư và Thương mai (COFIT), Ủy ban về Quan hệ Liên vùng ASEAN (IRR) và Ủy ban về Đào tạo Ngân hàng) đã họp trước Hội nghị Hội đồng.

Ủy ban về Hợp tác Tài chính, Đầu tư và Thương mại (COFIT)

Sáng kiến về Mạng lưới Sáng tạo tài chính ASEAN (AFIN) là một chương trình ứng dụng thử nghiệm nhằm cung cấp một môi trường an toàn và không rủi ro để các ngân hàng có thể thử nghiệm những giải pháp sáng tạo về FinTech.

AFIN chú trọng giải quyết bốn “vấn đề” mà các định chế tài chính đang phải đối mặt khi áp dụng FinTech:

a.   Các ngân hàng đang sử dụng những mô hình truyền thống.

b.   Một phần lớn trong ngân sách IT của ngân hàng chi cho việc bảo trì hệ thống kế thừa và chỉ một phần nhỏ được sử dụng để áp dụng công nghệ mới.

c.   Trong ngành FinTech, nhiều startups được hình thành rồi lại sụp đổ do đó các ngân hàng không có sự đảm bảo về độ tin cậy và bền vững của các công ty trong ngành này.

d.   Các chuyên gia về CNTT thì thường không hoạt động trong lĩnh vực Ngân hàng, thay vào đó là trong lĩnh vực FinTech.

Với AFIN, các FinTech toàn cầu có thể cung cấp các giải pháp của mình và xem xét những khả năng có thể mang lại cho ngành tài chính, từ đó giải quyết những vấn đề nêu trên thông qua những kết quả dưới đây:

a.   Các ngân hàng với cơ sở hạ tầng kế thừa truyền thống có thể kết nối không gián đoạn cùng Fintech chỉ với công sức và chi phí tối thiểu. Việc này cũng tạo cơ hội để các ngân hàng nhỏ và vừa cải tiến nền tảng hoạt động để tận dụng các giải pháp FinTech sáng tạo.

b.   Các ngân hàng có thể lựa chọn giữa rất nhiều các FinTech khác nhau và tập hợp những Công ty FinTech có năng lực tốt nhằm giảm thiểu những nguy cơ không lường trước của Công ty FinTech quy mô nhỏ.

c.   Tích lũy kinh nghiệm và dữ liệu thực nghiệm để mang lại thông tin cho các thảo luận trong tương lai về việc hài hòa hóa chính sách đối với FinTech để tích hợp hiệu quả với ngành tài chính của nhiều quốc gia.

d.   Mang lại các cơ hội cho FinTech ASEAN để xuất khẩu giải pháp ra thị trường toàn cầu cũng như thu hút đầu tư quốc tế để đẩy mạnh phát triển của FinTech ASEAN. 

Chương trình này sẽ được đưa ra bàn thảo rộng rãi với hiệp hội ngân hàng các nước thành viên thông qua hình thức hội thảo sẽ được tổ chức tại các quốc gia trong khối.

An ninh mạng

Bối cảnh rủi ro an ninh mạng trong khu vực và toàn cầu và các đề xuất chính cho sự phát triển An ninh Mạng ASEAN đã được trình bày tại cuộc họp. Các vụ tấn công an ninh mạng không phải là vấn đề về “nếu nó xảy ra” mà là “khi nào sẽ xảy ra”. Do đó, việc xây dựng và phổ biến về các kinh nghiệm và ý tưởng liên quan là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nỗ lực chung trong việc củng cố an ninh mạng của ngành tài chính ngân hàng ASEAN.

Tương tự như AFIN, chủ đề này sẽ được thảo luận sâu hơn tại các hội thảo được tổ chức trong năm 2018.

Ủy ban liên vùng ASEAN  (IRR)

Ủy ban IRR đã thống nhất sẽ nghiên cứu về việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (APEC BAC) cũng như Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) về các vấn đề liên quan tới ngành tài chính ngân hàng. Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan sẽ là đầu mối làm việc chính giữa Hiệp hội ngân hàng ASEAN, APEC BAC và ASEAN BAC.

Ủy ban cũng đã thống nhất chọn Singapore là địa điểm tổ chức study tour năm 2018.

y ban Đào tạo ngân hàng

Ủy ban Đào tạo ngân hàng thống nhất tạo ra một không gian để trao đổi sáng kiến và chia sẻ các chương trình đào tạo/chứng chỉ và để thông báo cho nhau về các nhu cầu đào tạo. Sáng kiến này cũng bao gồm việc chia sẻ các ấn phẩm và các xu hướng mới trong ngành.

Tại Hội nghị Hội đồng, Quyền Chủ tịch của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN đã được chuyển giao cho Hiệp hội Ngân hàng Lào.

Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 48 sẽ được Hiệp hội Ngân hàng Bru-nây tổ chức vào tháng 11/2018 tại Brunei.

*****

Thông tin về Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA):

Hiệp hội Ngân hàng ASEAN được thành lập năm 1976, với 5 hội viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Phillippines, Singapore và Thái Lan. Năm 1984 Brunei trở thành hội viên thứ 6. Năm 1995 Việt Nam tham gia trở thành hội viên thứ 7. Năm 1999 Campuchia tham gia, năm 2001 đến Myanmar trở thành hội viên và năm 2004 Lào trở thành thành viên thứ 10.

Mục tiêu hoạt động của ABA là nâng cao hình ảnh, vị thế của ABA và cộng đồng ngân hàng ASEAN; tăng cường tiếng nói của ASEAN trong những nỗ lực phản biện chính sách trong khu vực và toàn cầu; đóng góp vào cộng đồng kinh tế ASEAN, hỗ trợ khu vực tư nhân theo mục tiêu của AEC; chia sẻ bí quyết trong hoạt động ngân hàng, tổ chức đào tạo nhằm thúc đẩy sử dụng các thông lệ kinh doanh tốt nhất trong các quốc gia thành viên; thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức ngân hàng ASEAN; xây dựng tình hữu nghị và hợp tác giữa các nhà ngân hàng.

Thông tin về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) gia nhập Hiệp hội Ngân hàng ASEAN ngày 8/9/1995 - ngay sau khi Việt Nam chính thức được kết nạp vào tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là một thành viên của ABA, VNBA nỗ lực có những đóng góp thiết thực vào các hoạt động chung của Hiệp hội khu vực.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank