Theo báo cáo của NHNN, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra; nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp về TTKDTM có sự cải thiện tích cực.
Tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán giảm còn 12%
Vụ thanh toán (NHNN) cho biết, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 còn khoảng 12% hiện nay; tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở mức khá cao, đến cuối tháng 10/2016 đã đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân (so với mức 16,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2010).
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; công nghệ thanh toán khá tiên tiến, hiện đại.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ được cải thiện chất lượng, tập trung đầu tư phát triển, số lượng các máy chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh; đến cuối tháng 10/2016, trên toàn quốc có trên 254.000 POS và 17.379 ATM được lắp đặt (tăng lần lượt là 13,77% và 5,39% so với thời điểm cuối năm 2015).
Các dịch vụ, phương tiện TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, được phát triển mạnh và đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán trong khu vực và trên thế giới.
Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng khá nhanh; đến cuối tháng 10/2016, số lượng thẻ phát hành đạt mức trên 110,8 triệu thẻ (tăng 11,36% so với thời điểm cuối năm 2015).
Một số NHTM đã chủ động trong việc đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thanh toán mới, hiện đại, như xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, thanh toán phi tiếp xúc, mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử.
Công tác an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử được tăng cường, các hệ thống công nghệ của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT), dịch vụ trung gian thanh toán phục vụ cho thanh toán điện tử cơ bản được đảm bảo an toàn và bảo mật.
Những kết quả nổi bật trong quản lý hoạt động thanh toán 2016
Trong năm 2016, trong quản lý hoạt động thanh toán và đảm bảo an toàn, bảo mật các giao dịch ngân hàng và dịch vụ thanh toán năm 2016 đã đạt được những kết quả nổi bật.
Về cơ sở pháp lý, trong năm 2016, NHNN đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho Chính phủ, Thống đốc NHNN ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thanh toán, cụ thể như Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, thay thế một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt; Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng;
Thông tư số 20/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động và Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán; Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán;
Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
Xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về việc ủy thác và nhận ủy thác trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành và phát triển các dịch vụ TTKDTM thông qua cơ chế ủy thác của NHTM để đáp ứng nhu cầu thực tế và phù hợp thông lệ quốc tế.
Về cơ sở hạ tầng, công nghệ, NHNN đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-NHNN ngày 30/12/2015 về chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ gắn vi mạch điện tử. Theo đó chậm nhất đến 31/12/2020, toàn bộ thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam hoàn thành chuyển đổi sang thẻ chip. Ngoài ra, ngày 09/6/2016, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1189/QĐ-NHNN thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án xây dựng Hệ thống ACH tại Việt Nam để thực hiện triển khai xây dựng Hệ thống ACH, phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ.
Bên cạnh đó, NHNN đang thực hiện triển khai nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng trong nền kinh tế và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thực hiện mở rộng việc kết nối hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước với Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Về triển khai công tác giám sát, NHNN thực hiện giám sát, đánh giá tính an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán do NHNN quản lý và vận hành; giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; phân tích, đánh giá các rủi ro liên quan đến các hệ thống thanh toán và tham mưu cho Thống đốc các biện pháp kiểm soát rủi ro đảm bảo sự hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán;
Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát (liên vụ) về công tác thanh toán, đảm bảo an toàn, an ninh trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh các nguy cơ, vi phạm các quy định của NHNN; Phối hợp có hiệu quả với Cơ quan Điều tra trong việc xác minh, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra các vụ việc liên quan đến tội phạm trong hoạt động thanh toán.
Đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và quyền lợi khách hàng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, trong tháng 9/2016, NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” thông qua 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó, chỉ đạo các TCTD một số nội dung liên quan như: tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các quy trình nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực và việc tổ chức thực hiện các quy định đã ban hành của các hệ thống thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN;
Thực hiện đào tạo, huấn luyện nâng cao kỹ năng xử lý rủi ro cho nhân viên; xây dựng quy trình xử lý khủng hoảng truyền thông một cách chặt chẽ, khoa học và chuyên nghiệp; có các giải pháp an ninh bảo mật trong điều kiện mới nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động thanh toán qua ngân hàng cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân và của ngân hàng;
Tuyên truyền, thông báo các biện pháp phòng, chống trước những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ để nâng cao cảnh giác phòng chống tội phạm..., phổ biến, hướng dẫn về thanh toán điện tử, giáo dục tài chính, tạo sự chuyển biến căn bản của người dân về thanh toán điện tử, thanh toán thẻ và thói quen sử dụng tiền mặt hiện nay.
Bên cạnh đó, ngày 14/10/2016 NHNN đã ban hành Thông tư 30/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán, đặc biệt quy định về tiếp quỹ, xử lý sự cố, giải quyết các tra soát, khiếu nại, các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho ATM cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán.
Để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng, NHNN đã và đang triển khai một số giải pháp như: Thành lập các đoàn kiểm tra liên Vụ và chỉ đạo NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động thanh toán; công tác an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ;
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường tính an toàn, bảo mật, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo quyền lợi của khách hàng, của tổ chức cung ứng dịch vụ trong hoạt động thanh toán qua ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN đang thực hiện rà soát và ban hành lộ trình áp dụng các giải pháp xác thực mạnh trong giao dịch thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ, đồng thời sẽ chỉ đạo các ngân hàng triển khai các giải pháp hành chính và kỹ thuật khác để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch ngân hàng;
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống công nghệ thông tin ngành ngân hàng; Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các ngân hàng Trung ương, các tổ chức tài chính cũng như các tổ chức thẻ quốc tế về tình hình an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán và xu hướng tội phạm thanh toán trên thế giới.