• English

Tin thị trường

Hoàn thiện thể chế quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 8/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
 

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày nêu rõ: Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và 2016. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, công tác quản lý thuế nói chung và quy định pháp luật về quản lý thuế nói riêng cũng có những hạn chế bất cập nhất định như: Việc thường xuyên bổ sung, sửa đổi văn bản luật đã ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế; một số văn bản pháp luật khác cũng có nội dung quy định về quản lý thuế, vì vậy chưa tạo ra sự thống nhất trong các văn bản quy định pháp luật. Phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế chưa bao quát hết các khoản thu khác trong NSNN, mặt khác hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chưa được quy định đầy đủ...

Qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.

“Mục đích việc xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hoàn chỉnh, toàn diện nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, Bộ trưởng nêu rõ.

Dự thảo Luật gồm 17 chương, 152 điều, dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Buổi chiều ngày 9/11, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; và tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank