• English

Tin thị trường

Hoàn thiện thể chế, bảo đảm các chỉ tiêu về tài chính - ngân sách

(TBTCVN) - Thời gian qua Bộ Tài chính đã tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế để làm cơ sở cho việc hoàn thành các chỉ tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), đặc biệt bảo đảm các chỉ tiêu nợ công, bội chi NSNN và thanh tra, kiểm tra chống thất thu, lãng phí, ngăn chặn thất thoát...
Rà soát, sửa đổi luật để điều chỉnh chính sách thu  

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Tài chính đã tăng cường các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát thu hẹp diện miễn, giảm thuế; bảo đảm thực hiện thu ngân sách theo đúng dự toán, tiến độ đề ra, bảo đảm cân đối NSNN. 

Theo đó, trên cơ sở kết quả rà soát các luật thuế hiện hành, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sửa đổi, bổ sung 6 luật thuế gồm: Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế Bảo vệ môi trường và Luật thuế Tài nguyên.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB và tài nguyên. Hiện Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Tài chính luôn tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để làm cơ sở cho việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tài chính - ngân sách, đảm bảo chi ngân sách hiệu quả, tiết kiệm. Trong tổ chức, điều hành ngân sách năm 2017, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các giải pháp tài chính – ngân sách, trong đó quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, chỉ được chi trong giới hạn dự toán chi ngân sách, kiên quyết cắt giảm, loại bỏ các khoản mục chi chưa cần thiết, kể cả đã có trong dự toán nhưng không cần thiết.
Trong quý I/2017, các đơn vị của Bộ Tài chính đã thực hiện 4.272 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 44.150 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và bắt giữ 1.921 vụ vi phạm qua điều tra chống buôn lậu; kiến nghị xử lý tài chính 2.847,97 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 405,97 tỷ đồng.

Đồng thời, tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc phân bổ, giao dự toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đảm bảo thực hiện theo dự toán NSNN đã được Thủ tướng giao, Quốc hội quyết định.

Theo thống kê, tính đến đầu tháng 3/2017, cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện phân bổ, giao dự toán chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, dự án đầu tư và gửi Bộ Tài chính kiểm tra theo quy định. Tổng số kinh phí thường xuyên Bộ Tài chính đã kiểm tra, thống nhất phân bổ đạt khoảng 96% dự toán được giao. 

Số dự toán kinh phí còn lại do các đơn vị chưa thực hiện phân bổ, Bộ đã yêu cầu bổ sung để kiểm tra theo quy định. Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã triển khai phân bổ, giao dự toán vốn cho các chủ đầu tư dự án đạt khoảng 99% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, đối với một số địa phương quyết định dự toán thu, chi NSĐP chưa phù hợp với định hướng của trung ương, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố báo cáo HĐND cùng cấp điều chỉnh cho phù hợp với quy định. 

Mặt khác, các cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi. Tính đến hết tháng 4/2017, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên ước đạt 234 nghìn tỷ đồng và 53 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển. Qua công tác kiểm soát chi đã phát hiện khoảng 4.200 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, từ chối thanh toán 4,8 tỷ đồng chi thường xuyên và 12,5 tỷ đồng chi đầu tư XDCB.   

Bảo đảm các chỉ tiêu nợ công, bội chi NSNN

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã kiểm soát chặt chẽ bảo đảm các chỉ tiêu nợ công, bội chi NSNN trong giới hạn cho phép theo quy định, kể cả bội chi và nợ của chính quyền địa phương. Đồng thời, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN.

Theo đó, để thực hiện các mục tiêu, quan điểm, giải pháp về quản lý nợ công đã đề ra, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động thực hiện các nội dung công việc được phân công như báo cáo trình Quốc hội về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016 - 2018...

Đặc biệt, Bộ đã triển khai huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) theo đúng kế hoạch và tỷ lệ phát hành trái phiếu có thời hạn 5 năm trở lên theo Nghị quyết của Quốc hội. Ban hành hướng dẫn chuyển nguồn vốn TPCP kế hoạch năm 2016 chưa phân bổ sang năm 2017.

Trong 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện đúng quy định về khối lượng huy động và tỷ lệ phát hành TPCP có thời hạn 5 năm trở lên. Tính đến tháng 4 đã huy động được 81.581 tỷ đồng TPCP (bằng 44,5% kế hoạch năm 2017); đã phát hành 23.000 tỷ đồng TPCP với kỳ hạn 10 năm cho Bảo hiểm Xã hội theo phương thức phát hành riêng lẻ. 

Về kỳ hạn phát hành, do điều kiện thị trường thuận lợi nên trong 4 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính đã phát hành 100% TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 61,8% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Việc huy động kỳ hạn dài góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân, đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ TPCP. 

Đặc biệt, việc điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ, tức là có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn trung bình từ 0,02% đến 0,46% so với thời điểm cuối năm 2016, qua đó tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống thất thoát, lãng phí, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi NSNN. Qua thanh tra, đã kiến nghị yêu cầu rà soát đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án...

Tố Uyên/ Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank