Với hoá đơn mua hàng trên 10 triệu đồng, Bộ Tài chính đang đề nghị chỉ cho phép khấu trừ VAT là chi phí nếu doanh nghiệp trả qua ngân hàng.
Theo quy định hiện nay, các hoá đơn trên 20 triệu đồng, nếu muốn được tính vào chi phí để khấu trừ Thuế Giá trị gia tăng (VAT) đầu vào khi tính thuế thu nhập, doanh nghiệp phải trả qua ngân hàng. Tuy nhiên, "hạn mức" 20 triệu đồng này có thể hạ xuống 10 triệu đồng, theo đề xuất mới đây của Bộ Tài chính nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị quy định điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng. Như vậy, toàn bộ các chi phí khi mua hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp bằng tiền mặt nếu trên 10 triệu sẽ không còn được khấu trừ chi phí nữa.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, đề nghị này nhằm "thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt và ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế VAT, phòng chống rửa tiền".
Cơ quan soạn thảo cũng lý giải thêm, hầu hết các địa điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Do vậy, để tiếp tục thực hiện Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán của doanh nghiệp, đề xuất này được đưa ra.
Trước đó, tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2015, ý tưởng này đã được lãnh đạo Bộ Tài chính đề cập và nhận được nhiều sự ủng hộ của giới chuyên môn nhằm hạn chế tiền mặt cũng như gian lận thuế. Khi đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thậm chí kiến nghị hạ đổi mức chi phí được khấu trừ của doanh nghiệp xuống 5 triệu đồng thay vì 20 triệu đồng như hiện nay. Theo ông, đây sẽ là công cụ mạnh nhất thúc đẩy thanh toán điện tử bởi về công nghệ, hạ tầng thanh toán của Việt Nam đều đã cho phép điều này.
Theo VnExpress