Theo dự thảo, kinh phí thực hiện Chương trình được trích từ nguồn NSNN chi cho đầu tư phát triển KH&CN; chi sự nghiệp KH&CN; nguồn ngân sách trung ương ủy quyền cho các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách quản lý; nguồn ngân sách chi cho Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài theo Quyết định số 2395/QĐ-TTG.
Ngoài ra, nguồn kinh phí còn được trích từ nguồn vốn của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia và nguồn kinh phí huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án của Chương trình.
Dự thảo quy định rõ nguyên tắc huy động các nguồn tài chính. Theo đó, dự án đưa ra cần có phương án huy động các nguồn tài chính. Trong các phương án cần nêu đầy đủ nhu cầu về kinh phí, chi tiết theo từng nguồn nêu tại Điều 2 của Thông tư này và thuyết minh rõ khả năng huy động các nguồn tài chính để thực hiện dự án.
Phương án huy động các nguồn tài chính phải đảm bảo tính khả thi. Các nguồn kinh phí ngoài NSNN để thực hiện dự án cần được các tổ chức tài chính, tín dụng, quỹ xác nhận tại thời điểm gần nhất. Vốn, tài sản của tổ chức, cá nhân để đối ứng thực hiện dự án do tổ chức, cá nhân tự bảo đảm.
Các nguồn kinh phí từ NSNN để thực hiện dự án cần có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về nguồn kinh phí đó.
Dự thảo cũng đưa ra nguyên tắc hỗ trợ và sử dụng kinh phí từ nguồn NSNN. Việc cân đối nguồn NSNN để thực hiện Chương trình căn cứ theo cơ cấu tỷ lệ với các nguồn kinh phí huy động khác ngoài ngân sách theo dự án được duyệt. Nhà nước đảm bảo bố trí đủ kinh phí hỗ trợ cho các dự án được phê duyệt theo nội dung và nguyên tắc quy định tại Thông tư này.
Điều kiện, tiêu chí và quy trình tuyển chọn các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các Chương trình được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BKHCN.
Kinh phí hỗ trợ từ nguồn NSNN được lập kế hoạch chi tiết theo từng loại nguồn vốn cho cả giai đoạn thực hiện; được phân bổ và sử dụng theo tiến độ và cơ cấu nguồn vốn của dự án đã được phê duyệt.
NSNN hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình theo nguyên tắc: Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện các nội dung của Chương trình theo quy định tại Thông tư này cho các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN công lập và tổ chức KH&CN công lập.
Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện các nội dung của Chương trình theo quy định tại Thông tư này cho các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN ngoài công lập, tổ chức KH&CN ngoài công lập và doanh nghiệp KH&CN.
“Nội dung và định mức chi từ NSNN hỗ trợ để thực hiện Chương trình quy định tại Chương II của Thông tư này là các định mức tối đa. Căn cứ theo các tiêu chí, điều kiện xét chọn, tuyển chọn các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình và khả năng cân đối nguồn lực, Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định các nội dung, mức chi và tổng mức kinh phí hỗ trợ cụ thể cho từng dự án, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại khoản 2 Điều này”- dự thảo nêu rõ./.