• English

Tin thị trường

Hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập thị trường quốc tế

Bước ra cùng chung sân chơi với thế giới, có những văn bản hướng dẫn kịp thời, cần thiết và cụ thể sẽ giúp DN tự tin và đầu tư hiệu quả hơn

NHNN hiện đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 10/2006/TT-NHNN ngày 21/12/2006 của Thống đốc NHNN hướng dẫn TCTD cho khách hàng vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Thời điểm năm 2006, khi Thông tư 10/2006/TT-NHNN ban hành được xem là một trong những điều kiện hỗ trợ tích cực cho DN vươn ra thị trường quốc tế. Từ đó đến nay, điều kiện, môi trường kinh doanh quốc tế đã có rất nhiều thay đổi và để đồng bộ với các quy định hiện hành việc ban hành thông tư khác thay thế rất cần thiết.

Đơn vị soạn thảo Dự thảo Thông tư cho biết, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 (thay thế Luật Đầu tư số 59/2005/QH11). Ngày 25/9/2015, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài (thay thế Nghị định số 78/2006/NĐ-CP).

Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo này là điều kiện vay vốn (Điều 4). Dự thảo đề xuất bốn điều kiện để được vay vốn. Theo đó, TCTD chỉ xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng vay để đầu tư ra nước ngoài có đủ các điều kiện: Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cấp và đáp ứng các điều kiện về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 64 Luật Đầu tư; có nhu cầu vay vốn theo quy định tại Điều 3 Thông tư này; có phương án sử dụng vốn đầu tư ra nước ngoài khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ từ nguồn thu từ dự án đầu tư tại nước ngoài hoặc các nguồn tiền hợp pháp khác.

Cụ thể hơn, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 64 Luật Đầu tư: nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện: Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này (Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ).

Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư. Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 63 của Luật này. (Giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn riêng mở tại một TCTD được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại NHNN).

Còn theo quy định tại Khoản 2 Điều 64, việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, so với quy định tại Thông tư số 10, thì dự thảo thông tư mới đã bỏ điều kiện “có dự án đầu tư không thuộc Danh mục các lĩnh vực bị cấm, hạn chế đầu tư trực tiếp ra nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành” đã được bỏ. Và bỏ khoản d “Có vốn chủ sở hữu (bao gồm vốn của chủ sở hữu, các quỹ và lợi nhuận chưa phân phối) tham gia vào tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định của TCTD” do điều kiện này nằm trong quy định nội bộ của TCTD (Điều 22 Thông tư 39/2016/TT-NHNN).

Tại dự thảo, cũng có bổ sung ba nội dung: mức cho vay do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng tối đa không vượt quá 70% tổng mức vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và đ Khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư. Quy định thêm về thời hạn cho vay do TCTD và khách hàng thoả thuận phù hợp với thời hạn của dự án, thời hạn của hợp đồng hợp tác kinh doanh (BBC) và khả năng trả nợ của khách hàng.

Quy định cụ thể về đồng tiền cho vay, trả nợ: bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam và được chuyển đổi sang đồng tiền được xác định đầu tư ra nước ngoài phù hợp với quy định pháp luật có liên quan. Đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay. “Điểm này giúp hạn chế rủi ro tỷ giá có thể tăng lên trong thời gian tới, các DN vay USD phải rất thận trọng. Tuy chênh lệch lãi suất vay USD và VND vẫn ở mức khá lớn nhưng việc xây dựng, sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua các hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn cần được cân nhắc”, chuyên gia khuyến nghị.  

Trò chuyện với một chuyên gia kinh tế, ông này cho rằng việc khuyến khích và tạo điều kiện giúp DN Việt Nam có thêm cơ hội đầu tư ra nước ngoài là điều cực kỳ cần thiết. Nhất là khi Việt Nam đang ở trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và sự cạnh tranh trên thị trường cũng ngày một gay gắt hơn.

“Bước ra cùng chung sân chơi với thế giới, có những văn bản hướng dẫn kịp thời, cần thiết và cụ thể sẽ giúp DN tự tin và đầu tư hiệu quả hơn”, vị này chia sẻ.


 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank