Cụ thể, đến 31/7/2017, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn dự kiến đạt 1.610.544 tỷ đồng, tăng 10,1% so với 31/12/2016. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.252.160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 77,7% và tăng 12,1% so với 31/12/2016; dư nợ ngắn hạn tăng 8,14%, dư nợ trung và dài hạn tăng 12,62%; dư nợ cho vay bằng VND tăng 10,1%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ tăng 10,13%.
Cũng theo NHNN Hà Nội, song song với việc đẩy mạnh tín dụng để hỗ trợ cộng đồng DN phát triển SXKD, các TCTD trên địa bàn cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng cũng như đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng nhiều giải pháp. Nhờ đó, đến 31/7/2017, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn chiếm 2,8% trong tổng dư nợ.
Về hoạt động huy động vốn, NHNN Hà Nội cho biết, trong tháng 7/2017, các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động, tăng cường nắm bắt và tiếp cận các khách hàng có nguồn vốn nhàn rỗi; khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài để cải thiện cơ cấu nguồn vốn huy động nên nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn có xu hướng tăng khá so với cuối năm 2016.
Dự kiến 31/7/2017, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 1.761.987 tỷ đồng, tăng 7,15% so với 31/12/2016. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 8,53%, tiền gửi thanh toán tăng 6,74%; tiền gửi bằng VND tăng 9,43%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 1,83% so với 31/12/2016. Nguồn vốn huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chiếm 30,1% tổng ngồn huy động, đạt 530.358 tỷ đồng.
“Nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng, các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các TCTD”, NHNN Hà Nội cho biết.
Đặc biệt, theo NHNN Hà Nội, thực hiện Quyết định 1425/QĐ-NHNN ngày 07/7/2017 của Thống đốc NHNN, kể từ ngày 10/7/2017, các TCTD trên địa bàn điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực khuyến khích đầu tư, mức giảm từ 0,5-1%/năm.
Hiện lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-6,5%/năm, ở mức 8,5-9%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,5-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch được các TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn mức thông thường khoảng 1%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức từ 4,3-5,5%/năm; kỳ hạn từ 6 - 12 tháng phổ biến ở mức 5,3-6,8%/năm; đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến ở mức 6,5-7,5%/năm.
Về diễn biến thị trường ngoại hối, tỷ giá, NHNN Hà Nội cho biết, trong tháng 7/2017, nguồn cung ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn được đảm bảo, đáp ứng các nhu cầu thanh toán ngoại tệ hợp pháp của các cá nhân và tổ chức, tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, thanh khoản thị trường tốt. Tỷ giá giao dịch tại các NHTM trên địa bàn tương đối ổn định so với cuối tháng trước. Ngày 19/7 tỷ giá ở mức 22.695 VND/USD (mua vào), 22.765 VND/USD (bán ra). |