• English

Tin thị trường

Góp phần đưa thị trường chứng khoán lên tầm cao mới

(TBTCO) - Cùng với sự ra đời của các sản phẩm/dịch vụ mới của thị trường như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo, vay và cho vay TPCP để bán..., việc triển khai thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN sẽ góp phần đưa TTCK phát triển lên một tầm cao mới. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định như vậy tại Lễ khai trương triển khai thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP) qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vừa được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (SGDNHNN) tổ chức, sáng 1/8/2017.

Một bước thúc đẩy thị trường TPCP phát triển

Tại lễ khai trương, ông Dương Văn Thanh - Tổng giám đốc VSD cho biết, sau hơn một năm kể từ khi đề án “Kết nối hệ thống bù trừ và quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia” được thông qua đến nay, mọi công tác chuẩn bị từ ban hành văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đến xây dựng hệ thống và đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đã hoàn tất.

VSD và SGDNHNN đã sẵn sàng tiếp nhận và thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN kể từ ngày 1/8/2017 theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo NHNN tại Thông tư 46/2017/TT-BTC.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chúc mừng và biểu dương những nỗ lực của VSD, Sở Giao dịch NHNN, các thành viên thị trường trong việc chủ động đổi mới hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán nói chung và thanh toán giao dịch TPCP nói riêng theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, thực hiện Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính xây dựng Đề án Thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN. Đây là một đề án quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của thị trường TPCP và thị trường tiền tệ nên được đặc biệt quan tâm.

“Việc NHNN đảm nhận thanh toán tiền giao dịch TPCP, TPCP bảo lãnh là phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập, giúp giải quyết xung đột lợi ích, đảm bảo tính độc lập khách quan và tăng hiệu quả sử dụng vốn cho các NHTM (ngân hàng thương mại). Đồng thời, phương thức này giúp nâng cao khả năng giám sát của NHNN đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia; đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, an toàn và thúc đẩy phát triển của thị trường TPCP” - Phó Thống đốc NHNN đánh giá.

Giải quyết các vấn đề rủi ro thanh toán tiềm ẩn

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển thị trường TPCP từ năm 2009 đến nay, mô hình thanh toán tiền giao dịch TPCP của Việt Nam được tổ chức theo phương thức bù trừ đa phương qua NHTM, được đánh giá là khá phù hợp với quy mô thị trường vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường TPCP đã phát triển lên một tầm cao mới, với quy mô niêm yết tương đương 18% GDP, giao dịch bình quân phiên gấp 21 lần năm 2009 và tổng giá trị thanh toán chiếm tới 76% tổng giá trị thanh toán của toàn thị trường, đòi hỏi cần phải đổi mới mô hình thanh toán giao dịch TPCP.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay, phần lớn các quốc gia trong khu vực và các quốc gia phát triển đang áp dụng thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP theo phương thức thanh toán tổng tức thời theo thời gian thực. Trong đó mô hình quyết toán tiền phổ biến là qua ngân hàng trung ương. Bởi, với tiềm lực tài chính và các cơ chế cho vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản cho các NHTM, chỉ có ngân hàng trung ương mới có thể giải quyết được các rủi ro thanh toán tiềm ẩn.

“Việc thanh toán giao dịch TPCP qua NHNN theo phương thức thanh toán tổng tức thời theo thời gian thực có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ là bước đột phá trong đổi mới hệ thống thanh toán giao dịch TPCP theo thông lệ quốc tế; thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của thị trường, tạo tiền đề phát triển các dịch vụ thanh toán TPCP xuyên biên giới; đảm bảo an toàn, thông suốt trong việc thanh toán các giao dịch TPCP nói riêng và toàn thị trường nói chung” - Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Duy Thái/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank