Ngày 11/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do dịch COVID-19. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Chính phủ giao Bộ Tài chính bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ Giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do COVID-19
Theo Nghị quyết số 103/NQ-CP, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP sẽ được hỗ trợ một lần là 3,7 triệu đồng/người.
Các cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP thì được hỗ trợ một lần mức 2,2 triệu đồng/người.
Đối tượng được hỗ trợ bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại các Cơ sở Mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; Cơ sở Tiểu học tư thục; Trường Mẫu giáo, Mầm non SOS và trường Tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Các đối tượng được hưởng chính sách khi bảo đảm các điều kiện sau:
Thứ nhất, phải là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Thứ hai, là người đã nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Thứ ba, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP do không tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ tư, có xác nhận làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cơ sở giáo dục ngoài công lập đã làm việc trước đây hoặc cơ sở giáo dục ngoài công lập khác trong trường hợp cơ sở giáo dục ngoài công lập trước đây làm việc không hoạt động trở lại) ít nhất hết năm học 2021 - 2022.
Chính phủ giao Bộ Tài chính bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết này. Đồng thời, căn cứ quy định tại Nghị quyết, quy định pháp luật có liên quan và số thực chi của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) để xem xét, hỗ trợ kịp thời từ ngân sách trung ương cho từng địa phương, định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện, căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tối đa bằng 70% mức dự kiến đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ để kịp thời thực hiện chính sách.
Sau khi địa phương có báo cáo kết quả chi ngân sách (thực chi ngân sách nhà nước có xác nhận của Kho bạc Nhà nước, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu báo cáo), Bộ Tài chính bổ sung hoặc thu hồi dự toán ngân sách trung ương trên cơ sở thực tế hỗ trợ đối tượng theo quy định; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hướng dẫn để triển khai thực hiện công tác hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Theo tapchitaichinh.vn