Từ ngày 1-12, ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản, xổ số... đều phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước những giao dịch có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên.
Từ ngày 1-12, giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Quy định này được nêu ra trong quyết định 11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan được quy định tại khoản 1, 2 điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.
Quyết định 11/2023 thay thế cho quyết định 20/2013 đã áp dụng hơn 10 năm qua. Ngưỡng phải báo cáo cũng tăng từ 300 triệu đồng của quy định hiện hành lên mức 400 triệu đồng.
Theo Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, các tổ chức tài chính phải báo cáo là các ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán (như ví điện tử), công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ…
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính cũng thuộc đối tượng phải báo cáo gồm: kinh doanh trò chơi có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, Internet, xổ số, đặt cược.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp… cũng phải báo cáo những giao dịch có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên.
Thời gian qua, các chuyên gia, tổ chức đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, nhà cửa, ô tô, vàng bạc, đá quý... sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn tiền thu được từ các hoạt động tội phạm.
Do vậy, theo đề xuất của nhiều chuyên gia, bên cạnh quy định các ngân hàng phải báo cáo khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng trị giá từ 400 triệu đồng trở lên, cũng cần sớm có quy định bắt buộc tất cả giao dịch tài sản có trị giá lớn như nhà đất, du thuyền, máy bay, ô tô... phải qua ngân hàng.
Ở các nước phát triển, quy định này đã được áp dụng từ lâu, trong khi Việt Nam dù đã đề xuất từ nhiều năm qua nhưng chưa quy định chính thức, dù có nhiều tác động tích cực như bảo đảm tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người bán, người mua và giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát dòng tiền, sớm phát hiện dòng tiền "bẩn" được hợp thức hóa.
Theo tuoitre.vn