• English

Tin thị trường

Gia tăng giá trị kinh tế cho nông nghiệp

Nâng cao hạn mức cho vay không có tài sản bảo đảm được kỳ vọng sẽ hạn chế vay nặng lãi.


Nghị định 116 ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao

Cơ chế thông thoáng

Có lẽ chưa bao giờ các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho khu vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) lại nhiều như thời điểm này. Ngoài được cho vay với lãi suất ưu tiên của các ngân hàng, thời gian qua, có rất nhiều chính sách lớn được ban hành và liên tục sửa đổi để có thể tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp đóng góp tích cực sự phát triển của nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng nói riêng, gia tăng giá trị kinh tế khu vực NNNT nói chung có thể trở thành hiện thực khi Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển NNNT được ban hành với nhiều cơ chế mới sẽ tháo gỡ nhiều nút thắt trong quan hệ tín dụng đối với khách hàng và ngân hàng. Có hai điểm nhấn trong Nghị định 116. Thứ nhất, tăng hạn mức lên tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn và 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn. Về chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Là thành viên trong ban soạn thảo sửa đổi Nghị định, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế cho biết, Ban soạn thảo đã cân nhắc rất nhiều để có được quyết định mức cho vay bởi mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. “Mức vốn này được kỳ vọng hạn chế tối đa việc người nông dân phải đi vay nặng lãi khi có nhu cầu đột xuất”, ông Hùng bày tỏ.

Điểm nhấn thứ hai là quy định về cho vay theo chuỗi liên kết. Theo Nghị định 116, để vay vốn theo chuỗi, tổ chức đầu mối của chuỗi và các đơn vị, cá nhân tham gia liên kết phải mở tài khoản tại TCTD cho vay, cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị qua các tài khoản này. Quy định trên sẽ giúp ngân hàng có thể kiểm soát rủi ro tốt hơn, từ đó mạnh dạn cho vay tín chấp hơn.

CEO một ngân hàng tỏ ra rất hào hứng với quy định mới. Vị này cho biết, ngân hàng đang dự định ký kết với một nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đã ứng dụng công nghệ hiện đại cho chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. Ngân hàng sẽ tham gia vào chu trình khép kín này với tư cách là nhà tài trợ vốn duy nhất từ người nông dân, DN cung ứng thức ăn và DN chế biến thủy sản xuất khẩu, mọi dòng tiền ra vào đều qua ngân hàng. Việc liên kết chặt các mắt xích trong chuỗi như vậy, theo lãnh đạo ngân hàng này sẽ khắc phục nhược điểm cho vay theo chuỗi trước đây đã từng làm thí điểm.

“Trước kia, dù ký kết thỏa thuận vay theo chuỗi, nhưng do quy định chưa chặt, nên DN có thể thay đổi chuyển doanh thu sang tài khoản ngân hàng khác, khiến ngân hàng cho vay không giám sát được dòng tiền. Đó cũng là lý do khiến một số mô hình vay theo chuỗi trước đây đứt chuỗi khi DN phá sản còn ngân hàng mất vốn”, vị này cho biết thêm và nhấn mạnh, với quy định mới, chuỗi liên kết được đảm bảo chắc chắn ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay hơn.

Không cho vay theo phong trào

Theo tính toán, hiện nay tín dụng NNNT chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống ngân hàng. Với Nghị định 116, tín dụng của lĩnh vực NNNT có thể được đẩy lên ở mức 22-25%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, để đạt được như kỳ vọng, theo giới chuyên môn cần có sự vào cuộc của tất cả bộ ngành liên quan chứ không chỉ riêng ngành Ngân hàng.

Về phía ngân hàng, CEO một ngân hàng cho rằng, hiện sản phẩm tín dụng cung ứng cho khu vực này vẫn còn đơn điệu. Muốn tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này, các ngân hàng phải đầu tư nghiêm túc có sự thay đổi chất lượng dịch vụ, cấu trúc sản phẩm cho phù hợp, đặc biệt phải đầu tư công nghệ hiện đại, số hóa các sản phẩm vừa cung cấp dịch vụ tốt vừa kiểm soát được dòng tiền.

Vấn đề nữa liên quan đến tài sản thế chấp. Tuy Nghị định 116 đã gỡ bỏ vướng mắc này cho phép DN sử dụng các tài sản nhà kính, nhà lưới được sử dụng để thế chấp để bảo đảm cho vốn vay trong các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hiện tại các tài sản trên vẫn chưa được công nhận và đang chưa có hướng dẫn cụ thể giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì thế, để các ngân hàng đẩy nhanh cấp tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì các bộ ngành liên quan cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, theo đề xuất của một chuyên gia kinh tế, chính sách bảo hiểm nông nghiệp cần được triển khai sâu rộng hơn, các ngân hàng mới mạnh dạn cho vay đối với lĩnh vực NNNT vốn ẩn chứa nhiều rủi ro khách quan. Các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng cần được giải quyết sớm nếu không trong trường hợp nợ xấu phát sinh, các ngân hàng phát mại tài sản sẽ gặp nhiều rắc rối.

Hiện tại, Agribank đang là ngân hàng chủ lực cho vay đối với lĩnh vực NNNT. Song, với cơ chế cởi mở tại Nghị định 116, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, sẽ có nhiều ngân hàng đẩy vốn vào khu vực này. Dù nhiều cơ hội hấp dẫn, nhưng đây là lĩnh vực đặc thù nên các ngân hàng phải tính toán kỹ lưỡng khi cho vay.

“Việc quyết định cho vay đối tượng nào, mức độ cho vay ra sao, kiểm soát chu trình vay vốn để đảm bảo an toàn vốn là trách nhiệm của TCTD. Dù cơ chế đã được mở, song không có nghĩa là ngân hàng sẽ bơm vốn ào ào mà vẫn tuân thủ theo quy chuẩn chung, giám sát, đánh giá các tiêu chí, mức độ rủi ro của từng phương án kinh doanh để giảm thiểu rủi ro cho cả phía ngân hàng lẫn người đi vay”, vị CEO ngân hàng trên cho biết.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank