• English

Tin thị trường

Gia tăng chiều sâu cho tín dụng kết nối

Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối, đồng thời sẽ tiến tới thay đổi cách thức cấp vốn nhằm phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của các DN khu vực ĐBSCL.

Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra tại Cần Thơ hôm cuối tuần, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã đưa ra thông điệp: ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối, đồng thời sẽ tiến tới thay đổi cách thức cấp vốn nhằm phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của các DN khu vực ĐBSCL.

Nhiều kiến nghị về định giá tài sản

Ghi nhận tại Hội nghị cho thấy, đa số các kiến nghị của cộng đồng DN trong lần gặp gỡ kết nối với NHNN và các NHTM lần này không tập trung vào các vấn đề lãi suất hoặc gia hạn nợ. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến định giá tài sản đảm bảo, hạn mức cho vay và cơ cấu thời hạn vay được nhiều DN đặt ra.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An cho rằng, từ khi thành lập đến nay, DN của ông chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Hiện các NHTM vẫn cấp hạn mức thường xuyên cho DN khoảng 630 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, với hạn mức vay vốn này công ty của ông đã bắt đầu nhận thấy thiếu vốn trung – dài hạn để đầu tư hạ tầng. Một số hợp đồng giá trị lớn công ty đã phải từ chối đối tác vì nếu nhận có thể sẽ phải đắp đổi vốn lưu động để đầu tư, dẫn đến rủi ro về tài chính.

Ông Bình cho rằng, hiện nay các NHTM vẫn thực hiện định giá quá thấp đối với các tài sản là bất động sản của DN. Chẳng hạn Trung An hiện sở hữu một bất động sản lớn tại trung tâm Cần Thơ, giá thị trường có thể lên tới 150-200 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua các ngân hàng chỉ định giá 28 tỷ. Như thế rất thiệt thòi cho DN.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, mặc dù giá bất động sản trên thị trường không ghi nhận giảm nhưng các NHTM định giá để cho vay mỗi lúc mỗi giảm. Chẳng hạn vài năm trước khi người dân nuôi tôm nhiều, các ngân hàng  định giá đất nuôi tôm khoảng 400-500 triệu/ha nhưng 1-2 năm gần đây nhiều chỗ chỉ còn vài trăm triệu. Nếu đầu tư nuôi tôm nhiều khi DN phải bỏ ra 5-7 tỷ/ha, nếu thế chấp được quá ít thì hầu như DN không có cách nào xoay cho đủ vốn đầu tư cơ bản.

Cũng với ý này ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ đặt vấn đề rằng, hiện nay đa số các DN lớn đều nhận thức được việc cần thiết đầu tư theo chuỗi sản phẩm và phát triển mạnh các liên kết khép kín. Nhiều DN có giá trị tài sản lớn, đang thực hiện tái cấu trúc cơ cấu sản phẩm khá tốt. Tuy nhiên, họ vấp phải nút thắt về hạn mức tín dụng bởi việc định giá các tài sản đảm bảo là bất động sản và các tài sản gắn liền đất ở, đất nông nghiệp đang được quy định không hợp lý.

Nút thắt này theo ông Dũng không phải là do phía ngành Ngân hàng mà liên quan đến cả chính sách lớn về giá đất, về hạn điền. Song cũng phải thừa nhận là các NHTM hiện cũng chưa có sự linh hoạt thay đổi cho phù hợp với bối cảnh nhu cầu vốn của DN đang ngày một cao hơn. Theo đó, các quy trình cho vay, cấp hạn mức và tính toán cơ cấu thời hạn vay vẫn sử dụng quy trình cũ như 10-15 năm trước. Chính điều này làm cho các DN dù làm ăn tốt nhưng cũng khó được tăng hạn mức vốn và bổ sung được nguồn vốn trung hạn để đầu tư các dự án lớn.

Thúc đẩy gắn kết theo chiều sâu

Tại Hội nghị Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú ghi nhận những ý kiến của cộng đồng DN. Đối với các vấn đề mà các DN đặt ra ông cho rằng, tới đây NHNN sẽ tổng hợp lại để ngày 17/5 trong Hội nghị Thủ tướng đối thoại với 200 DN, ngành Ngân hàng sẽ đưa ra những ý kiến, giải pháp tổng thể và kiến nghị Chính phủ sửa đối các cơ chế, chính sách liên quan.

Đối với các kiến nghị liên quan đến cơ chế định giá tài sản đảm bảo, cơ chế cấp hạn mức tín dụng, Phó Thống đốc NHNN nhìn nhận phạm vi không chỉ liên quan đến thẩm quyền của ngành Ngân hàng mà có nhiều cơ chế, chính sách phải kiến nghị Chính phủ sửa đổi, thậm chí có những vấn đề liên quan tới Luật Đất đai, tài chính đầu tư phải Quốc hội mới có thể điều chỉnh được.

Ông cho rằng, ngay trong hội nghị kết nối đợt này có sự hiện diện của 13 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh ĐBSCL. Do vậy, NHNN hy vọng các đoàn đại biểu sẽ ghi nhận để kiến nghị với Quốc hội. Từ đó tháo gỡ các nút thắt này, mở ra cơ chế cho các ngân hàng tăng giá trị định giá tài sản thế chấp, tăng hạn mức tín dụng cho các DN.

Đại diện NHNN cam kết ngành Ngân hàng tiếp tục tục đồng hành sâu sát với cộng đồng DN. Trên cơ sở các kiến nghị từ địa phương, NHNN sẽ nghiên cứu đưa ra các cách thức hỗ trợ DN phù hợp, phân loại DN có trọng tâm, trọng điểm để cấp tín dụng sát với nhu cầu và sự chuyển biến về nhu cầu vốn trong nội tại các DN, nhất là các DN lớn ở ĐBSCL hiện nay.

Riêng đối với các NHTM, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nhiệp. Theo đó, mỗi địa phương tối thiểu thực hiện kết nối 2 lần/năm. Ghi nhận và giải quyết nhanh các trường hợp DN có dự án tốt, tài chính tốt mà vướng về vốn. Ngoài ra, các chi nhánh NHTM cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chủ động rà soát toàn bộ DN khách hàng để phân loại và đưa ra những hạn mức tín dụng hợp lý, tạo điều kiện cho DN tiếp cận tối đa nguồn vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh.

Tính đến 30/4/2017, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL ước đạt 455.200 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối năm 2016, chiếm 7,8% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 59%, trung - dài hạn chiếm khoảng 41%, tỷ lệ cho vay trung dài hạn có xu hướng tăng (tăng 5,7% so với cuối năm 2016).

Từ 2014 đến nay các TCTD tại ĐBSCL thực hiện khoảng 50 hội nghị đối thoại, kết nối với DN. Tính đến nay đã có 5.450 DN được các ngân hàng cam kết tài trợ tổng số tiền hơn 62.900 tỷ đồng thông qua các hình thức hỗ trợ, trong đó cam kết cho vay mới, đạt 57.000 tỷ đồng.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank