• English

Tin thị trường

G20 thống nhất thông qua nhiều nội dung quan trọng về tài chính

(TBTCO) - Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã tổ chức các phiên họp, thảo luận và đã thống nhất đưa ra một Tuyên bố chung, trong đó bao gồm 4 nội dung trong lĩnh vực tài chính.
  

Trong khuôn khổ G20 năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm nước G20 tại Ham-buốc, Đức.

Thông qua 4 chủ đề lớn về tài chính

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, về chủ đề “Tăng cường thịnh vượng cho nền kinh tế toàn cầu”, các quốc gia nhận định cần phải tiếp tục sử dụng hợp lý tất cả các công cụ chính sách có được, bao gồm cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách về cơ cấu. Trong đó, chính sách tiền tệ cần được ưu tiên và tiếp tục hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và đảm bảo ổn định của giá cả. Chính sách tài khóa cần được sử dụng linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng và đảm bảo tính bền vững của nợ công. Đồng thời, cam kết sẽ thúc đẩy tính bao trùm, sự công bằng và bình đẳng trong quá trình thực các hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Về hệ thống tài chính bền vững, các quốc gia thống nhất cho rằng một hệ thống tài chính mở, bền vững dựa trên các chuẩn mực quốc tế có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho tăng trưởng bền vững. Trên cơ sở đó, các nước G20 cam kết sẽ hoàn thành và thực thi đầy đủ, kịp thời các chương trình nghị sự về cải cách tài chính đã được thông qua trước đây; khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ Basel III và tiếp tục giám sát chặt chẽ các rủi ro có thể phát sinh đối với hệ thống tài chính.

Còn về cấu trúc tài chính quốc tế, chủ đề này đã đề cập đến một số nội dung liên quan đến việc quản lý các rủi ro từ sự luân chuyển của các dòng vốn quốc tế; yêu cầu đối với tăng cường an ninh tài chính toàn cầu; ủng hộ các nỗ lực đang thực hiện để tăng cường hiệu quả các công cụ cho vay của IMF; nâng cao vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương (MDB), đặc biệt là trong thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Nội dung khá quan trọng được bàn thảo và thống nhất là về hợp tác quốc tế về thuế và minh bạch tài chính. Qua đó, các quốc gia cam kết tiếp tục hợp tác vì một hệ thống thuế quốc tế hiện đại và bình đẳng, đồng thời hoan nghênh các chính sách thuế tiến bộ, cam kết thực hiện hiệu quả Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).

G20 cũng ủng hộ các chương trình tăng cường năng lực về thuế cho các quốc gia đang phát triển, nhất là trong việc đảm bảo huy động nguồn thu và tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, khuyến khích sự tham gia của các nước đang phát triển vào Chương trình BEPS. G20 kêu gọi các quốc gia tham gia vào cơ chế trao đổi thông tin tài chính theo Tiêu chuẩn báo cáo chung (CRS). Đồng thời, các nước G20 cho rằng cần nhận diện và xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh từ quá trình số hóa nền kinh tế và những thách thức đặt ra đối với quản lý thuế.

Cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động Ham – buốc

Trước đó, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính Nhóm G20 đã thảo luận và thống nhất về 4 trụ cột chính liên quan đến lĩnh vực tài chính nêu trên để đưa vào dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Đồng thời, các quốc gia tham dự đã xây dựng và thảo luận về Kế hoạch Hành động Ham-buốc (HAP) nhằm thực hiện các mục tiêu đã xác định trong Tuyên bố chung G20, chi tiết 6 nhóm vấn đề:

Về các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Đề ra chiến lược hành động chung giữa các nước G20 nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh, bền vững, cân bằng và toàn diện, góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng và gia tăng việc làm; sử dụng các công cụ chính sách ở cấp độ quốc gia hoặc phối hợp cùng nhau nhằm đạt được mục tiêu chung về tăng trưởng;

Về khung khổ cho tăng trưởng mạnh, bền vững, cân đối và bao trùm: Thực hiện đầy đủ các cam kết về chiến lược tăng trưởng đã đề ra và cam kết trước đây; các biện pháp để củng cố tính tự cường của các nền kinh tế G20 trước các biến động từ bên ngoài và bên trong thông qua “Bộ nguyên tắc về tự cường”, gồm 12 nguyên tắc; duy trì động lực cho cải cách cơ cấu và tăng trưởng bền vững, thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng;

Còn về cấu trúc tài chính quốc tế: Đề ra các biện pháp và cam kết nhằm cải thiện cấu trúc tài chính toàn cầu và quản lý các dòng vốn đầu tư quốc tế; tăng cường sự hợp tác hiệu quả hơn giữa IMF và các cơ chế tài trợ khu vực; giám sát thận trọng các rủi ro từ nợ công; ủng hộ các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) trong việc thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng; thúc đẩy việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia, tổ chức.

Đối với quản lý và phát triển lĩnh vực tài chính: Đề ra các biện pháp nhằm triển khai và thúc đẩy Chương trình nghị sự về ổn định tài chính, các biện pháp hợp tác trong lĩnh vực tài chính số, tăng cường an ninh mạng và tài chính toàn diện và phổ cập tài chính;

Về thuế quốc tế: Các cam kết nhằm thiết lập một hệ thống thuế quốc tế hiện đại và công bằng trên toàn cầu, cải cách chính sách thuế theo hướng hỗ trợ tăng tưởng, cam kết triển khai Chương trình hành động về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), Chuẩn mực báo cáo chung của OECD (CRS);

 Các vấn đề tài chính khác, gồm các biện pháp liên quan đến tăng cường tính minh bạch và đối phó với tham nhũng, xói mòn cơ sở thuế, vấn đề tài trợ cho khủng bố, rửa tiền…, các vấn đề về trợ cấp nguyên liệu hóa thạch và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu. 

Bài ảnh: HTQT/ Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank