• English

Tin thị trường

EU xóa bỏ khoảng 85,6% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực

Theo nội dung thoả thuận trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) thì ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ được xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá của cả hai bên được thông thương.

Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định củaTổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Theo đó, hai bên sẽ thực hiện việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo 4 nhóm gồm: (i) Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi EVFTA có hiệu lực; (ii) Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% (từ mức thuế cơ sở) sau một khoảng thời gian nhất định. Theo EVFTA, gần như 100% số dòng thuế và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình tương đối ngắn. Với EU tối đa là 7 năm và với Việt Nam tối đa là 10 năm (tuy nhiên, cá biệt có một số dòng thuế nhạy cảm như thuốc lá, bia, xăng dầu, Việt Nam đạt được lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 15 năm); (iii) Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan: Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ được xóa bỏ hoặc cắt giảm đối với một khối lượng hàng hóa nhất định (lượng hàng hóa trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi; (iv) Nhóm hàng hóa không cam kết: Đây là nhóm hàng không cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu. Việc áp dụng thuế nhập khẩu sẽ theo quy định trong nước của mỗi bên.

Cam kết của EU đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Đối với các nhóm hàng quan trọng như dệt may, giày dép, gạo, đường, mật ong, các sả phẩm rau quả tươi và chế biến...EU cam kết như sau:

+ Dệt may: trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc.

+ Giày dép: EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của ta ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 03 năm và 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.

+ Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn. Đối với cá viên, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 500 tấn.

+ Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.

+ Đường: EU dành cho ta hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.

+ Mật ong: EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.

+ Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Cam kết của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu của EU

Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.

Đối với một số mặt hàng EU quan tâm, Việt Nam cũng đưa ra những cam kết cụ thể. Theo đó, mặt hàng ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau 9 năm với ô tô phân khối lớn (trên 2.500 cm3 với xe chạy dầu diesel, trên 3.000 cm3 với xe chạy xăng), 10 năm với các loại ô tô khác, 7 năm với phụ tùng ô tô, 10 năm với xe máy thường và 7 năm với xe máy trên 150 cm3; Mặt hàng rượu vang, rượu mạnh, bia: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 7 năm với rượu vang, rượu mạnh, sau 10 năm với bia; Mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thịt bò: Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% sau 7 năm với 3 dòng thuế thịt lợn đông lạnh và 9 năm đối với các loại thịt lợn khác. Đối với thịt gà, lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 10 năm. Lộ trình đối với thịt bò là 3 năm.

Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu từ lãnh thổ một bên sang bên kia. Lý do của cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là nhiều nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa của các nước.

Tuy nhiên, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc là loại than ta hầu như không sản xuất). Đối với các dòng thuế có thuế xuất khẩu hiện hành đang cao, Việt Nam cam kết đưa mức trần thuế xuất khẩu về 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan có mức trần 10%). Với các mặt hàng khác, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 16 năm.

Áp dụng quy tắc xuất xứ

Các quy định về quy tắc xuất xứ mà Việt Nam và EU thống nhất trong EVFTA có các nội dung cơ bản giống như các FTA mà Việt Nam ký kết trước đây. Ngoài ra, hai bên đã thống nhất một số nội dung mới gồm: (1) Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ: Bên cạnh cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, hai bên thống nhất cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là cơ chế mà nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thay vì đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng; (2) Cơ chế cộng gộp mở rộng: EVFTA áp dụng cơ chế linh hoạt cho phép sử dụng một số nguyên liệu được nhập khẩu từ một số nước ngoài Hiệp định để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang EU và được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, cụ thể là mực và bạch tuộc từ các nước ASEAN đang hoặc sẽ có FTA với EU và vải từ Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm dệt may thuộc Chương 61 và 62 của Hiệp định.

Những sản phẩm được áp dụng biện pháp phi thuế theo ngành

Việt Nam và EU thống nhất một số cam kết về các biện pháp phi thuế trong 2 lĩnh vực là ô tô và phụ tùng ô tô và dược phẩm và trang thiết bị y tế, cụ thể: Đối với ô tô và phụ tùng ô tô, Việt Nam cam kết công nhận các chứng nhận được thực hiện theo nguyên tắc của Hiệp định UNECE 1958do các cơ quan cấp chứng nhận của EU đối với một số loại sản phẩm xe cơ giới và phụ tùng theo hệ thống tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. EU cam kết công nhận chứng nhận kiểu loại theo UNECE có hiệu lực do cơ quan chứng nhận kiểu loại của Việt Nam cấp tuân theo quyền và nghĩa vụ quy định trong Hiệp định UNECE 1958 khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định này.

Nhóm sản phẩm dược phẩm và trang thiết bị y tế, hai bên cam kết khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đối với dược phẩm và trang thiết bị y tế sẽ sử dụng các tiêu chuẩn, thực tiễn và khuyến nghị quốc tế làm nền tảng cho quy chuẩn của mình, đặc biệt là các tiêu chuẩn được xây dựng bởi Tổ chức Y tế thế giới… Để thực hiện cam kết này, Việt Nam sẽ bãi bỏ yêu cầu dược phẩm phải được cấp phép tại EU trong một khoảng thời gian nhất định trước khi xin cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các yêu cầu liên quan đến nghiên cứu lâm sàng khác vượt quá những quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo congthuong.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank